Mỹ điều tàu tới Biển Đông có thực sự thách thức Trung Quốc?

T.G| 08/11/2015 20:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến dịch tự do hàng hải" do Hải quân Mỹ tiến hành tại Biển Đông được xem là một biểu hiện nhằm chứng minh cho lời khẳng định của Mỹ rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và những rạn san hô mà họ tuyên bố chủ quyền đều nằm trong vùng biển chung.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể này đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó chỉ rõ rằng các đảo nhân tạo và các thực thể dưới mặt nước như các rạn san hô không có đủ điều kiện pháp lý để tạo ra một khu vực 12 hải lý được công nhận. 

Mỹ điều tàu tới Biển Đông có thực sự thách thức Trung Quốc?

Tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ trong một chuyến tuần tra ở Biển Đông - Ảnh Navy Times

Nhận thức rõ ràng rằng các thực thể của mình hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để trở thành bất cứ loại hình lãnh hải nào, Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập một hệ thống quy chuẩn nhằm buộc các nước khác cư xử tại vùng nước xung quanh các thực thể của họ như thể chúng là một vùng biển có chủ quyền.

Theo luật quốc tế thông thường, một hành vi lặp đi lặp lại có thể sẽ trở thành một quy tắc pháp lý, dù nó có được thông qua ngay hay về lâu dài sẽ trở thành luật. Theo đó, đối với những quốc gia muốn bảo vệ các vùng biển chung xung quanh các thực thể mà Trung Quốc xây dựng để tránh cho chúng trở thành một vùng lãnh hải có chủ quyền thực sự, thì nhất định các thể chế liên quan phải ngăn chặn các tiến trình quy chuẩn hóa của Trung Quốc trước khi nó phát huy tác dụng. 

Để làm được điều này, Hải quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên, đó là đưa tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen vào vùng 12 hải lý xung quanh công trình xây dựng của Trung Quốc trên bãi đá Subi. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là điều tàu đi vào vùng 12 hải lý này thì chưa đủ để chứng tỏ sự quyết đoán của Mỹ rằng đây là vùng biển chung. 

Dĩ nhiên, tàu USS Lassen phải hành xử tại khu vực này theo đúng quy tắc thông thường được chấp nhận trong một vùng biển chung. Theo UNCLOS, một tàu chiến đi vào khu vực biển chung có thể tiến hành các hoạt động toàn diện bao gồm triển khai trực thăng, phát tín hiệu điều khiển bằng rada và triển khai các cuộc diễn tập quân sự. Các hoạt động này và một số hoạt động khác (chẳng hạn đánh cá và thám hiểm) đều bị ngăn cấm nếu tàu đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh lãnh hải của một nước khác- trường hợp này còn được gọi là “qua lại không gây hại”, trong Khoản 2, điều 19 trong UNCLOS. Do vậy, nếu Hải quân Mỹ muốn gửi đi một thông điệp rằng họ coi khu vực 12 hải lý xung quanh bãi đá Subi là một vùng biển chung, thì họ phải tiến hành ít nhất một trong các hoạt động nói trên. 

Vậy tàu Lassen thực sự đã làm được gì trong chuyến đi này?. Thực tế có vẻ như họ chỉ hành xử như thể họ đang ở trong một vùng biển có chủ quyền. Nhà báo Sam LaGrone, dẫn tuyên bố của giới chức quốc phòng Mỹ và một số nguồn tin, viết trên trang tin của Hải quân Mỹ rằng tàu Lassen đã thực hiện một chuyến đi “không gây hại”, bất chấp tuyên bố rằng điều đó không có nghĩa là một sự thừa nhận vị thế của Trung Quốc. Theo đó, chuyến đi của tàu Lassen lần này không phải là một “Chiến dịch tự do hàng hải” mà chỉ là một chuyến đi bình thường qua lãnh hải của một quốc gia, theo đúng quy định của UNCLOS. 

Nếu Mỹ muốn chứng tỏ sự quyết đoán của mình trong vấn đề này thì các “Chiến dịch tự do hàng hải” của họ không chỉ là việc điều tàu đến khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể của Trung Quốc, mà còn phải tiến hành những hoạt động trái với các quy tắc “qua lại không gây hại” khi tiến vào khu vực này, chẳng hạn điều máy bay gắn tên lửa SeaHawk hoặc máy bay không người lái đi kèm. 

Với kế hoạch tiến hành thêm các hoạt động tương tự “Chiến dịch tự do hàng hải” lần này tại Biển Đông, nỗ lực thách thức Trung Quốc trong vấn đề này của Mỹ sẽ được thể hiện không chỉ trong các cuộc tranh luận gay gắt tại Liên hợp quốc hoặc các tuyên bố báo chí cứng rắn, mà cả trong những hành động của các tàu và Hải quân Mỹ.

Những bức ảnh hay đoạn phim về các hoạt động này có thể sẽ là lời chứng tỏ Mỹ không sẵn sàng thỏa hiệp về một sự tự do hàng hải với Trung Quốc và điều này sẽ lấy được lòng tin của các đồng minh trong khu vực. Chắc chắn, ngăn chặn chiến lược của một kẻ thù sẽ tốt hơn là đối đầu với nó bằng vũ lực. Và nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc trong trò chơi thiết lập quy tắc riêng của mình sẽ giúp giảm bớt nguy cơ xảy ra va chạm dẫn tới xung đột trong tương lai, song chỉ khi thông điệp đó của Mỹ không bị hiểu sai. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ điều tàu tới Biển Đông có thực sự thách thức Trung Quốc?