Mặc dù pháp luật đã có chế tài điều chỉnh hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông, nhưng trên thực tế nhiều bậc phụ huynh vẫn vô tư giao xe cho con dù biết con chưa đủ điều kiện điều khiển xe, có thể gây nguy hiểm cho chính các con và những người tham gia giao thông khác.
Những con số kinh hoàng
Tình trạng cho mượn xe, diễn ra hết sức phổ biến trong đời sống, vì nhiều lý do, trong đó dễ thấy nhất là vì tình cảm, quen biết hoặc là người trong gia đình nên nhiều người đã giao phương tiện của mình cho bạn bè, người thân trong gia đình mượn để di chuyển mà đôi khi chính họ cũng biết rõ rằng người đó chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông.
Đã có những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông gây tai nạn chết người, để lại nhiều hệ lụy lớn cho gia đình và xã hội.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong 10 tháng đầu năm 2024, có gần 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra tại các địa phương trên toàn quốc liên quan đến xe máy.
Quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 90.000 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, tạm giữ trên 50.000 xe mô tô. Trong đó, có khoảng hơn 45.000 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển loại phương tiện này. Công an các địa phương cũng xử lý khoảng 20.000 trường hợp chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Theo quy định của pháp luật, hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và đáng bị lên án, cần bị xử lý.
Hiện nay pháp luật đã quy định 2 loại chế tài điều chỉnh hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông, bao gồm việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý theo pháp luật hình sự theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Trong đó, cha mẹ giao xe cho con, cháu chưa đủ tuổi lái, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản hoặc làm chết người... có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm. Việc giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe cũng sẽ bị phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng đối với xe máy. Từ đó, có thể thấy, pháp luật đã có chế tài điều chỉnh khá rõ ràng và nghiêm minh.
Những hậu quả đau lòng
Để bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, lực lượng chức năng đã phối hợp với ngành giáo dục, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến các trường học, khu dân cư, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành luật Giao thông đường bộ cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các em học sinh, thanh thiếu niên; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh chưa chú ý đến quản lý giáo dục con em mình, vẫn giao xe cho con dù biết con chưa đủ điều kiện điều khiển xe, có thể gây nguy hiểm cho chính các con và những người tham gia giao thông khác.
Đầu tháng 11/2024, dư luận tại Hà Nội rúng động trước vụ tai nạn nghiêm trọng do nhóm “quái xế” gây ra khi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng với tốc độ cao. Nhóm này phóng xe từ khu vực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về ga Hà Nội, đến ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu thì vượt đèn đỏ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong số đó, Nh. do không làm chủ tốc độ và thiếu quan sát, đã đâm thẳng vào chị Nguyễn Hương Q. (27 tuổi) đang dừng chờ đèn đỏ. Cú va chạm mạnh khiến chị Q. ngã văng ra đường. Ngay sau đó, Kh., điều khiển xe đi phía sau, tiếp tục lao tới và tông vào nạn nhân, khiến chị Q. tử vong tại chỗ.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm, cả Nh. và Kh. đều chưa có giấy phép lái xe tại thời điểm gây tai nạn. Đáng chú ý, nhiều thành viên trong nhóm “quái xế” còn chưa đủ 18 tuổi. Vụ việc gây chấn động dư luận vì tính chất liều lĩnh, coi thường pháp luật của các bị cáo.
Ngày 22/4/2025, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm mở phiên xét xử 24 bị cáo trong nhóm nói trên, với các tội danh "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" và "Gây rối trật tự công cộng".
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nh. mức án 7 năm tù về tội vi phạm quy định giao thông, cộng thêm 18 tháng tù vì gây rối trật tự công cộng, tổng hình phạt là 8 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Tá Minh Kh. (17 tuổi, phạm tội khi mới 16 tuổi 10 ngày) bị tuyên án 6 năm 6 tháng tù cho cả hai tội danh.
Sau cú sốc mất con quá đột ngột, gia đình chị Nguyễn Hương Q. chìm trong nỗi đau khôn nguôi. Tại phiên tòa, mẹ chị Q. xuất hiện với đôi mắt đỏ hoe, gương mặt hằn rõ nỗi tuyệt vọng của người mẹ mất con. Không kìm được cảm xúc, bà bật khóc nức nở khi nghe các bị cáo khai trước tòa.
Từ ngày con gái qua đời, bà phải thường xuyên dùng thuốc điều trị co thắt phế quản do ảnh hưởng tâm lý. Chồng bà lao vào công việc ngày đêm, cố gắng khỏa lấp khoảng trống mất mát. Thế nhưng, mỗi khi đêm xuống, nỗi đau lại trào dâng, khiến hai vợ chồng không thể ngăn nổi những giọt nước mắt.
Giọng nghẹn lại, người mẹ đau khổ nói: “Nếu không có vụ tai nạn, con bé đã có thể có một đám cưới hạnh phúc.” Bà kể, thỉnh thoảng người yêu của Q. vẫn lặng lẽ đến nhà, thắp nén nhang cho người con gái xấu số.
Còn mẹ của bị cáo Kh. cũng đau khổ không kém, bà không cầm được nước mắt, bật khóc trình bày tại tòa: "Con dại cái mang, trước hết tôi xin lỗi gia đình nạn nhân, mong tha thứ cho mẹ con tôi". Về số tiền phải bồi thường, mẹ bị cáo Kh. cho biết, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình bị cáo sẽ cố gắng xoay xở để tiếp tục khắc phục.
Bài học đắt giá vì giao xe cho con chưa đủ điều kiện lái xe
Điều đáng nói, hiện nay khá nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn cả nước hoặc vì không hiểu biết, hoặc coi thường pháp luật nên vẫn “vô tư” mua xe, giao xe máy cho con mình, dù con chưa đủ tuổi để điều khiển hoặc chưa có giấy phép lái xe. Lý giải về hành vi giao xe máy cho con sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe, hầu hết phụ huynh đều đưa ra lý do chung như nhà xa, con phải đi học thêm nhiều, con đi xe máy để chủ động hơn trong việc đi lại, học tập...
Đã có rất nhiều bài học từ việc các bậc phụ huynh vướng vào vòng lao lý vì giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy.
Điển hình như vào ngày 11/3/2025, Tòa án nhân dân huyện Ninh Giang (Hải Dương) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Thị L (sinh năm 1980, trú tại xã Văn Hội, huyện Ninh Giang) 6 tháng tù về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Theo bản án, bị cáo Lê Thị L. đã mua và giao xe máy điện cho con trai chưa đủ 16 tuổi. Trong một lần tham gia giao thông, người con trai đã gây tai nạn làm 2 người bị thương.
Hay tại Tiền Giang, ngày 16/12/2024, Nguyễn Trọng H. (sinh năm 2008) điều khiển xe mô-tô dung tích trên 50 phân khối khi chưa có giấy phép lái xe, gây tai nạn khiến một người tử vong. Cha của H., ông Nguyễn Thanh T., cũng bị khởi tố vì hành vi giao xe cho con.
Mỗi vụ tai nạn không chỉ là một con số thống kê khô khan mà còn là nỗi đau, sự mất mát của cả gia đình và xã hội. Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục và quản lý con cái, quản lý phương tiện, không giao xe cho con, em mình khi chúng chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Việc xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông từ chính mỗi người trong mỗi gia đình chính là góp phần to lớn tạo dựng một xã hội an toàn, hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nhà.