Trên “chợ đen”, nuôi một cá thể hổ đến lúc trưởng thành rồi đem đi bán, người ta có thể thu lợi cả tỷ đồng; một lạng cao hổ giá từ 25 đến 35 triệu đồng, tùy “chất lượng”. Giá sản phẩm phi pháp này bị thổi lên cao ngất như vậy, nên các trùm nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép bất chấp lời kêu gọi của đạo đức, bất chấp các án tù nghiêm khắc, cứ lao vào như thiêu thân.
Luật của Việt Nam về lĩnh vực này ngày càng nghiêm minh, nhiều vụ giết hổ, nấu cao hổ bị bắt giữ - có vụ, mức án lên tới cả chục năm tù. Lại thêm dịch COVID-19 hoành hành mấy năm nay, các đối tượng, có khi rút vào hoạt động ngầm trên không gian internet, mạng xã hội; có khi tự “nâng tầm” mình lên với các thủ đoạn tinh vi chưa từng thấy. “Thế giới ảo” buôn hổ, nó như một biến thể tinh ranh của virus trước các kháng thể và vaccine của chúng ta vậy.
Khám phá thủ đoạn của các trùm buôn, cũng là cách chúng tôi muốn bài điều tra này kiến nghị các hướng xử lý nhằm: giảm thiểu, chấm dứt thảm nạn tàn sát “Chúa Sơn Lâm” và nhiều loài hoang dã khác.
Cược bằng ngôi nhà và những mạng sống
Thủ đoạn của cánh buôn hổ con, nuôi hổ trái phép, vận chuyển buôn bán và nấu cao hổ ở Việt Nam hay từ nước ngoài về Việt Nam thì đều khá giống nhau. Ấy là sử dụng mạng xã hội, internet một cách rất tinh vi. Lúc nhiều nền tảng mạng xã hội chưa “quét” mạnh các hình ảnh giết chóc, phơi xác, xả thịt, máu me rồi các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, thì họ “bày bán trên thế giới ảo” tràn lan. Khi bị cấm vì “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, họ quay ra chỉ rao bán khá ỡm ờ, chung chung trên hội nhóm facebook, zalo; rồi để số điện thoại, dẫn dụ khách. Ở nền tảng này, vẻ như, họ tự do hơn, ít bị kiểm soát hơn. Và các giao dịch bắt đầu trắng trợn hơn nhiều. Dĩ nhiên, cuối cùng là các cuộc gặp, ngã giá, giao hàng. “Chợ ảo” nhưng chết chóc mà hổ và nhiều loài thú quý hiếm gánh chịu là rất thật.
Họ không gặp mặt trực tiếp các đối tượng giao dịch, khi gọi điện thoại hay chat qua các ứng dụng, bao giờ họ cũng yêu cầu phải cho biết “mật khẩu”, ai đã giới thiệu. Tên, tuổi, địa chỉ, gương mặt, tài khoản facebook, zalo của người giới thiệu đâu? Họ đề phòng bị hóa trang giao dịch để điều tra, bắt giữ.
Sau khi xác nhận người giới thiệu là trong hội nhóm, là người có thể đem cả sự an nguy tính mạng và tài sản ra đảm bảo cho việc móc nối “đối tác mới” thì các đối tượng mới bước đầu giao dịch kiểu “nắm đằng chuôi”, “ném đá dò đường”. Dù thị trường buôn bán cao hổ (làm giả từ xương sư tử, xương trâu, bò, chó, lợn và nhiều tạp chất nguy hiểm cũng có) khá ế ẩm trong mùa dịch, dù các giao dịch trên mạng đem lại nhiều tiền cho họ; song, các đối tượng luôn thận trọng. Bởi họ biết, buôn sư tử và “chúa sơn lâm” mà bị tóm thì án nặng lắm. Thế nên “dẫu trái tim nóng, nhưng cái đầu phải lạnh”.
Đến lúc giao dịch, họ cũng cho shiper (người vận chuyển) mang hàng tới, giả dụ bị tóm, cũng chỉ là mắt xích.. chở thuê “không biết trong túi có hàng gì”. Có lần, chúng tôi xin đi theo một nhóm ở Sơn Tây (Hà Nội) vào Nghệ An mua “sỉ” (mua nhiều hàng một lúc) móng hổ, nanh hổ, cao hổ, da hổ về bán buôn. Các trùm chỉ yêu cầu: Đến nhà cậu uống rượu nhé / Cần gì nữa không? / Không. Chỉ cần đặt cược /Cược gì hả ông anh? / “Cược bằng cái nhà và tính mạng cả nhà cậu, tớ biết nhà cửa mẹ cha con cái rồi. Bọn tớ bị tóm thì tội đâu là cậu chịu. Hết!”.
“Một cái lông hổ cũng không đi qua biên giới được, nếu không…”
Các đối tượng liên tục nấu cao hổ và bán, thu về siêu lợi nhuận, vậy, làm sao họ nhập hàng, xuất hàng, phát triển mạng lưới mà không bị theo dõi, bắt giữ, xử lý?
Họ nuôi hổ bên Lào, thậm chí nuôi hổ ở châu Phi (trùm người Việt) rồi nấu thành cao mang về qua đường hàng không, giới thiệu với hải quan là… thạch rau câu (jelly: thạch, tiếng Anh). Món thạch này dân chúng tôi ai cũng mê, “ăn” ngon lắm. Các chú hải quan cứ ngơ ngác: “Người Việt thích ăn thạch đến thế sao!”. Đó là một cách lách luật khiến bất cứ ai cũng phải bất ngờ, nhưng nó là sự thật mà người viết bài này đã chứng kiến, điều tra, các đối tượng đã bị bắt giữ theo đúng nghĩa.
Về đường bộ, hổ nuôi trang trại ở Lào, cho ăn gà lợn thải loại từ các trang trại, hoặc thịt gia súc gia cầm chết vì dịch bệnh, hay thịt từ các sạp bán buôn thừa ế không biết vứt đi đâu. Hổ các phân loài ở lẫn lộn, giao phối cận huyết bừa phứa. Thế nên, nguồn cung cấp hổ con cho các làng nuôi hổ trái phép ở Việt Nam hầu hết là từ Lào, một số từ Thái Lan.
Làm sao để cõng hổ lớn, hổ bé vượt biên vào Việt Nam? Thứ nhất, biên giới nhiều trăm cây số chiều dài, dọc nhiều tỉnh thành, chỗ nào thì người “cõng” hổ (và nhiều loài hoang dã) cũng có thể “nhập cảnh trái phép” được. Nhất là khi họ chỉ cõng riêng bộ da và xương hổ thôi, những thứ còn lại bỏ hết. Thứ hai, video, ghi âm và các bài điều tra công phu của các phóng viên uy tín đã công bố, đều mô tả: có bằng chứng về việc, một số người đã “làm ngơ” cho việc đem hổ vào Việt Nam. Không vơ đũa cả nắm, song cũng cần thấy rõ đó là nguyên cơ để chúng ta nghĩ về những “con sâu làm rầu nồi canh” là có thật.
Số khác, họ mang hổ từ Indonesia, Thái Lan, Brunei về Việt Nam bằng đường biển. Các chuyến tàu đánh cá đi lênh đênh cả tháng trên đại dương, bỏ xác hổ trong ngăn ướp đá cùng với cá. Chúng tôi tận mắt chứng kiến tay gấu, da hổ, xương hổ được giấu cả trong các chuyến tàu hàng của dân buôn gỗ trầm từ các nước Đông Nam Á về tỉnh Quảng Bình. Họ coi đó là nguồn thu lâm sản đắt đỏ cùng với đời “ngậm ngải tìm trầm” gian khó và liều lĩnh. Điều này lý giải vì sao có các đối tượng bị xử mức án phạt cao nhất từ trước đến nay (vì hành vi giết chóc động vật hoang dã ở Malaysia lại là người Việt). Vào đó, ta mới hiểu: tại sao các trùm bắt thú, buôn hổ ở nhiều nước bị bắt, trong đó lại có danh sách nhiều bà con vùng Quảng Bình với truyền thống đi tìm trầm xuyên quốc gia.
Việc nuôi hổ cũng diễn ra hết sức tinh vi. Họ đào hầm tối, đóng kín bưng, giấu kĩ cả vô số tiếng hổ gầm trong lãnh địa dưới lòng đất. Rồi xé lẻ các phiên chợ mua thịt bò, thịt gà về cho đàn hổ. Có nhà, vừa rồi bị bắt ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nuôi một lúc 14 cá thể hổ nặng 2-300 kg/con trong nhà mình. Quả là họ mang lá gan của hùm. Hiện nay, đối tượng đã lĩnh án 7 năm tù giam. Từ đó suy ra, đúng như các ông trùm đã tiết lộ trong video mà chúng tôi điều tra được trước đó: họ nuôi một lúc vài trăm con hổ, mang từ Lào về, “mua” từ các cơ sở mang tiếng nuôi bảo tồn khi hổ con được sinh ra (cấm bán, thì họ bán trộm!). Họ xé lẻ đàn hổ ra, chia tới các nông hộ nuôi theo kiểu hợp tác xã. Ông chủ bao trọn tiền hổ giống (cả trăm triệu đồng/con), thức ăn, công nghệ nuôi và bao tiêu cả đầu ra.
Thường thì họ mang hổ đông lạnh đi nấu cao khắp nơi. Mang từ nước ngoài về chứ ít vận chuyển hổ nguyên con, vì có thể nó gầm gừ kêu gào dễ lộ. Nuôi nấng “ông ba mươi” dọc đường cũng vất vả và nguy hiểm. Thế nên, giá hổ tươi nguyên con bao giờ cũng cao hơn nhiều so với hàng đông lạnh. Khi vận chuyển họ gây mê hổ, lúc giao hàng, họ làm cho “Chúa Sơn Lâm” tỉnh cho khách xem vài phút, sau đó hổ bị chích điện mê man rồi giết ngay. Họ ném xương hổ vào vạc lửa 7 ngày đêm. Hổ bị giết, bỏ hết thịt và nội tạng, chỉ lấy nguyên bộ xương thả vào bộ da nguyên chiếc của chúng khi vận chuyển. Như thế gọi là hàng “áo tơi”. Bộ da như cái áo đi mưa trùm ra ngoài bộ xương không thiếu một chi tiết nào, từ ngón “chân, tay” đến bộ phận quan trọng nhất là cái bánh chè hổ (xương đầu gối) có hình mắt phượng (lỗ tròn nhìn xuyên qua được). “Mắt phượng” vẫn được người ta coi là “chứng chỉ” nhận diện cho cam kết: bộ xương đó là của loài hổ, chứ không loài nào khác.
Lúc làm ăn to và quen mối, các đối tượng ít khi yêu cầu có cả da, đầu, lông hổ. Mà họ chỉ cần bộ xương đã làm sạch để nấu cao thôi. Họ cũng biết thịt hổ ngậm toàn hóa chất vận chuyển xuyên quốc gia nên họ ít ăn. Vả lại, khi bắt được bộ xương hổ bị buôn bán sử dụng trái phép, cơ quan chức năng cũng khó, cũng ngại xử lý - nếu không có các “tín hiệu nhận biết quan trọng” là đầu, da, lông hổ đi kèm. “Nếu bị bắt mà chỉ có mỗi nồi xương hổ hoặc xương đã nấu nhuyễn, không có da, đầu hay chân hổ, thì tôi đã an toàn tới 80%”, Tâm “hổ”, bà trùm buôn hổ ở Cao Bằng tiết lộ mánh khóe.
Các đối tượng lợi dụng điều trên nên có khi chỉ mang lục cục ít xương giấu trong bao tải, gọn nhẹ, khá an toàn. Là xong cả một phi vụ tiền tỷ.
“Cao hổ… lốn” gồm hóa chất, phụ gia độc hại và chất kích thích
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là: dùng video, ảnh đưa lên các hội nhóm trên mạng xã hội để bán hàng. Họ thường bán vài loài hoang dã rẻ tiền, hoặc bán vài sản phẩm như da hổ, da “tay, chân” hổ, móng, nanh hổ. Rồi dần dà gạ gẫm trò chuyện để bán hổ nguyên con. Họ coi các “gian hàng” ảo kia là nơi thăm dò khách, lọc dần các khách khả nghi. Đặc biệt, họ sưu tầm video giết hổ, nuôi hổ trong khu hoang dã nào đó, hình ảnh ai đó đang nấu cao hổ sình sịch đêm ngày, cả sàn nhà vằn vện toàn hổ bị giết… để tạo niềm tin về một đường dây to lớn, quan trọng, hàng xịn.
Họ phát triển mạng lưới qua cách rỉ tai nhau, gửi hình ảnh qua mạng xã hội là tôi sắp nấu một con hổ, ai chung tiền thì đến nhậu 7 ngày đêm mà canh nồi cao “xịn”…. Cứ thế, tin đồn lan truyền... Họ cũng bôi đất đỏ vào chân vào móng hổ, làm giả vẻ hoang dã cho đàn hổ nuôi, thậm chí họ phao tin là hổ trang trại nhưng nó bị bỏ sót trong khu bán hoang dã vài chục năm rồi thành thử “hàng chất lượng cao”… y như hổ hoang.
Chúng tôi đã lần theo các “rao vặt” trên mạng, bay vào TP HCM, gặp các trùm buôn hổ, để cả hổ nguyên con trong nhà họ tại Long An. Có đối tượng mở trang trại cùng anh trai bên Lào, chỉ vài quen biết vặt trên mạng (chân rết của anh ta bán mỏ chim hồng hoàng). Qua các cuộc gặp và nhậu, anh ta đem ra cả rổ cao hổ cốt, rồi dẫn vào những căn phòng trợn trừng các gương mặt hổ “nguyên con” (da hổ trên bờ tường, hổ nhồi tiêu bản đứng uy nghi). Từ không gian có vẻ không thể đáng tin cậy hơn đó, các đối tượng bắt đầu bán hàng rởm bằng mọi thủ đoạn.
Người nào nhẹ dạ sẽ mắc bẫy mà mua hàng từ các trang mạng đó. Thứ “cao hổ cốt” họ mua về có thể là cao nấu từ xương trâu, bò, ngựa, chó, lợn, rồi thả thêm thuốc phiện hay chất kích thích, tân dược giảm đau khác. Thứ nhất là để cho nồi cao nó rẻ. Thứ hai là các chất kích thích, tân dược (cả thuốc phiện) sẽ làm người dùng thấy phấn chấn, hăng tiết vịt một cách khó hiểu. Để rồi họ nghĩ cao hổ quá xịn và phát huy tác dụng trứ danh. Thật ra, ngay cả cao hổ thật đi nữa, thì cũng là hổ nuôi trong ngục tối, suốt đời “ngài” chưa thấy ánh mặt trời, cơ thể tẩm toàn hóa chất khi chăm sóc, khi giết mổ cấp đông và vận chuyển. Nên, cao đó uống là độc hại.
“Mổ hổ ra, vứt lòng hổ xuống ao, mà cá chết nổi trắng. Chúng tôi phải luộc xương hổ nhiều lần mới dám nấu, để hóa chất ra hết. Các đối tượng sợ ướp ít hóa chất, xương thịt hổ mà đen, thối là họ sạt nghiệp. Mất toi tiền tỷ”, trùm buôn hổ tên Hòa kể.
Thủ thuật của các đối tượng là luôn tạo ra… huyền thoại “chúa sơn lâm”, dù các “ông bà” hổ chưa bao giờ đủ già để gọi là “ông”, “ngài”, cũng chưa bao giờ trông thấy rừng. Thậm chí đàn hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An vừa rồi (tháng 8/2021) được giải cứu từ 2 hộ dân nuôi trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, thì: cả 17 cá thể to lớn, chúng đều được nuôi trong “ngục tối”, ở dưới lòng đất. Thức ăn và hóa chất độc hại tống vào để tăng trọng lượng khẩn cấp (mỗi ký lô hổ hơi giá chợ đen là 7 triệu đồng!), nên hổ nào cũng béo phì, tim mạch, toàn mỡ và tồn dư nhiều hóa chất trong quá trình “bón thúc” tăng cân và chữa bệnh kéo dài.
Chưa hết, sau khi giết mổ, hổ đều được cho ngậm chất bảo quản, ngậm các loại dung dịch giữ màu, giữ mùi. Xương hổ, còn được bơm dung dịch vào tủy sống, thả thêm các loại nước sệt và bột / thạch cao giả xương tủy hổ…để tăng cân. Khi nấu cao, họ bỏ xương chó, xương lợn, thuốc phiện, tân dược, mai rùa, toàn hàng không rõ nguồn gốc vào.
Tân dược rẻ nhất, họ cứ thả vài viên thuốc kháng viêm vào nồi cao; kèm theo ít thuốc phiện, khách uống có cảm giác phê. Dần dà, nhiều khách “nghiện” cao hổ, bỏ cả núi tiền phục vụ đám con buôn “hổ cốt rởm”; mà không biết, mình đang có dấu hiệu tiền mất tật mang. Thứ nữa là bã vôi trắng nhờ. Bỏ vào nồi cao hổ, nhằm tăng trọng lượng, lại tạo chất màu trắng lắng đọng ở cốc rượu pha “cao hổ”, khiến khách ồ à tâm đắc nghĩ: đúng cao xịn, uống nó phải “kết tủa màu trắng” (như dân gian truyền tụng) thế này chứ! Mục đích là tăng số lượng cao từ một bộ xương hổ, qua việc “độn đủ thứ”. Bởi mỗi cân cao hổ, giá chợ đen đến hơn 300 triệu đồng.
Vâng, nếu nói các thủ đoạn trên là tinh vi, lợi dụng không gian internet và mạng xã hội một cách quái đản thì cũng đúng. Mà nói là các mánh trên bị bóc mẽ rồi thì cơ quan chức năng quá dễ để phá án, thì cũng lại rất đúng.
Bởi, chúng tôi - nhóm nhà báo - mới chỉ cần vào vai, hóa trang sơ sơ với vài thao tác làm quen, dẫn mối, đã có thể theo dấu các ông bà trùm từ thế giới ảo của internet, vào tận các “hang hùm” với hệ thống tủ đông toàn móng vuốt hổ (họ cắt nhổ nguyên da, thịt, lông), cả sàn nhà toàn cao hổ; cả gậm giường toàn ngà voi, sừng tê giác… thế thì đủ hiểu! Rõ ràng, điều tra, xử lý các đối tượng không phải là quá khó.
Như đã phân tích, “cao hổ cốt” đã bị những kẻ nhẫn tâm độn vào nhiều phụ gia, hóa chất độc hại. Mặt khác, khi mà các bi kịch do dịch bệnh hiện nay đã khiến cả thế giới phải lao đao, thì ai cũng hiểu, vật chủ trung gian lây truyền các dịch bệnh (như COVID-19) là do chúng ta đã xâm hại động vật hoang dã, cao hơn, chúng ta làm đứt gẫy sự cân bằng của chuỗi sinh thái. Do đó, việc bảo vệ các loài hoang dã còn là bài toán an nguy của chính sức khỏe và tính mạng con người.
Cho nên, việc khẩn cấp lúc này, là cần sự chung tay hành động và giám sát của cả cộng đồng, cần vào cuộc liên tục và thực tâm hơn nữa, để bảo vệ các loài nguy cấp quý hiếm; cũng là bảo vệ chính cuộc sống của mỗi chúng ta.