Lễ hội Trò Trám, hay còn gọi là “Linh tinh tình phộc” được tổ chức vào thời điểm giao thoa giữa ngày 11 và ngày 12 âm lịch hàng năm tại miếu Trò(hay còn gọi miếuĐụ Đị) xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Nghi nhận của PV tối 7/2 (tức 11 tháng giêng âm lịch) hàng nghìn du khách có mặt tại sân miếu Trò, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao để cùng thưởng thức màn biểu diễn tái hiện lại các trò đi cày, đi cấy, câu cá, quay tơ dệt lụa, cầm lờ cầm đó đi bắt cá bắt cua, nghề mộc… Đây là các tiết mục trong trò “Tứ dân chi nghiệp” hay còn gọi là “bách nghệ khôi hài” - giống như một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa các nghề chính trong đời sống xã hội xưa như sỹ-công-nông-thương bằng các làn điệu dân ca độc đáo chỉ có ở Phú Thọ.
Lễ hội linh tinh tình phộc thu hút đông đảo người xem
Các trò thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, câu cá, đánh lờ, thầy đồ dạy học được tái hiện, trò nào cũng ẩn chứa sự đùa cợt, nhưng nó hàm chứa ý nghĩa rất sâu xa. Trong trò thầy đồ, tái hiện hình ảnh ông thầy nho dạy học thủa xưa, với vẻ giễu cợt vui vẻ nhưng đằng sâu “lời dạy” của thầy ẩn chứa đầy ẩn ý sâu cay: “Chữ trên là trên chữ dưới/Chữ dưới nằm dưới chữ trên/Chữ giữa là giữa xung quanh/Xung quanh là vành chữ giữa”.
Điểm nhấn chính của lễ hội là phần lễ mật. Thời gian diễn ra Lễ Mật cũng thử thách người tham dự, phải đúng 12h đêm lễ mới chính thức bắt đầu, đây cũng được coi là giờ thiêng đánh dấu khoảnh khắc của ngày và đêm, phút giao thoa của trời và đất.
Gần 12h đêm, cụ chủ Lễ Mật tung đồng âm dương xin Thành Hoàng làng và các quan cho phép rước linh vật xuống để thực hiện nghi thức Lễ Mật.
"Nõ" và "Nường", tượng trưng cho giới tính của nam và nữ, là linh vật chính của lễ hội, được làm bằng gỗ mít, sơn màu đỏ, là vật để tế và cầu cho nòi giống sinh sôi. Nghi lễ này chỉ thực hiện duy nhất một năm một lần.
Theo cụ chủ tế cho biết, linh vật được trao cho cặp vợ chồng có gia đình hòa thuận, nếp sống lành mạnh. Và vợ chồng anh Chử Tích Chiến – Bùi Thị Thu Huyền tiếp tục được lựa chọn là cặp đôi thực hiện nghi lễ linh tinh tình phộc trong năm nay.
Trao đổi với PV ông Nguyễn Thành Ngữ (69 Tuổi, người trông miếu Trò) đã nhiều năm nay cho biết, năm nay hội Trò Trám được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia nên bà con rất phấn khởi. Và cũng tại buổi lễ này UBND xã đã trao nhiều phần khen thưởng cho nhiều người đã có công giữ gìn lễ hội đặc biệt có một không hai này.