Thanh niên bị điện giật ngưng tim, ngưng thở tỉnh dậy sau 3 ngày ngủ đông

04/11/2020 17:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nam thanh niên 26 tuổi bị điện giật khiến ngưng tim, ngưng thở vừa được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống ngoạn mục bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt (ngủ đông).

Ngày 4/11, BSCK II Đặng Quý Đức - Phó Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một nam thanh niên bị điện giật, đã ngưng tim, ngưng thở bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Trước đó, vào ngày 28/10, anh N.H.T. (26 tuổi), là thợ điện, đang sửa tôn trên mái nhà thì bị điện giật té xuống do rò điện khiến ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân được người nhà phát hiện và tiến hành sơ cứu, rồi được chuyển vào Bệnh viện huyện Bình Chánh. 

Tại Bệnh viện huyện Bình Chánh, bệnh nhân được hồi sức tim phổi nâng cao. Sau khi hồi sức 45 phút, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

ngungtho.png
Bệnh nhân T. đã được hồi sinh dù đã ngưng tim, ngưng thở. Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã quyết định dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để cứu bệnh nhân, đặc biệt là cứu cho bệnh nhân không bị chết não do não đã không được cung cấp máu, ôxy trong một thời gian kéo dài.

“Hạ thân nhiệt là kỹ thuật làm lạnh chủ động để đưa thân nhiệt của bệnh nhân xuống 33 - 36 độ C. Kỹ thuật này giúp cứu bệnh nhân thoát khỏi “ải” tử vong, giảm tổn thương tế bào não, tim và các tạng khác…; giảm tổn thương thiếu máu cục bộ; giảm tổn thương hàng rào máu não và chết neuron thần kinh; giảm phản ứng viêm và các sản phẩm ô xy hóa độc tế bào; giảm tỷ lệ chuyển hóa tế bào não, giảm nhu cầu ô xy và glucose”, bác sĩ Đặng Quý Đức cho hay.

Bệnh nhân được quấn những tấm dán hạ nhiệt đặc biệt vào ngực, bụng, chân. Thông qua tấm dán này, bác sĩ hạ nhiệt độ cơ thể anh từ 37 độ C xuống 36 độ C, duy trì liên tục trong 48 giờ. Người bệnh đồng thời sử dụng máy thở, thuốc vận mạch và lọc máu chậm...

Đến ngày thứ 3 hạ thân nhiệt, chắc chắn bệnh nhân đáp ứng điều trị, dần tỉnh táo, có phản xạ tri giác trở lại, các bác sĩ làm ấm dần cơ thể bệnh nhân. Mỗi giờ tăng lên 0,25 độ C, đạt nhiệt độ cơ thể sinh lý bình thường thì ngừng lại. Lúc này, người bệnh tỉnh mê dần.

Ngày 4/11, bệnh nhân không cần áp dụng hạ thân nhiệt nữa, thoát nguy kịch và tiếp tục điều trị.

Theo TS.BS Hoàng Văn Sỹ - Trưởng Khoa Nội tim mạch, Trung tâm tim mạch, việc áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt giúp bệnh nhân giảm thiểu những tổn thương tế bào não, tim và các tạng khác…

Bệnh viện thường tiếp nhận bệnh nhân tương đối nặng từ tuyến dưới chuyển lên, trong đó có những người ngưng tim do nhiều nguyên nhân khác nhau. Kỹ thuật hạ thân nhiệt đã được áp dụng điều trị thành công cho nhiều trường hợp bao gồm các ca rối loạn nhịp hoặc bị ngưng tim, tổn thương cơ tim do điện giật.

Bác sĩ Sỹ cho biết, trước đây khi chưa có kỹ thuật này, những bệnh nhân bị điện giật ngưng tim thường có tỷ lệ tử vong cao và phải chờ đợi quá trình điều trị nội khoa. Tuy nhiên, áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt đã giảm được số lượng tử vong, cải thiện ý thức, tri giác cho người bệnh sau thời gian ngưng tim. Mục đích chính của kỹ thuật này là bảo vệ não để bệnh nhân sau khi tỉnh lại được trở lại cuộc sống bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên bị điện giật ngưng tim, ngưng thở tỉnh dậy sau 3 ngày ngủ đông