Đây là bệnh nhân có thời gian ngưng tim lâu nhất được cứu sống tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và là một kỳ tích trong thực hành lâm sàng bệnh viện.
7h15 phút ngày 7/10, bác sĩ N.T.T. (62 tuổi) đang làm việc tại bệnh viện bị nhồi máu, khó thở và ngưng tuần hoàn. Các đồng nghiệp hồi sức tim phổi ngay tại chỗ suốt 45 phút, trái tim mới bắt đầu có nhịp trở lại.
Trên đường vận chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trong 10 phút, ông ngưng tim nhiều lần nữa, đội cấp cứu đi cùng phải ép tim ngoài lồng ngực liên tục, tiêm 40 ống Adreanalin (thuốc cấp cứu trong ngừng tim) để duy trì nhịp tim yếu ớt cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khi tiếp nhận thông tin đã nhanh chóng báo động đỏ nội viện, huy động nhiều trưởng khoa cùng Ban Giám đốc tham gia cấp cứu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4 mm, phản xạ ánh sáng chậm, đang bóp bóng qua nội khí quản và ép tim ngoài máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao. Tuy nhiên thời điểm này tình trạng bệnh nhân vẫn nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Qua hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê, nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim ngưng lồng ngực, huyết áp và mạch không đo được, toàn thân tím tái.
Sau 35 phút được cấp cứu tích cực, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, tiếp tục thở, suy hô hấp nặng...
Sau khi được hồi sức tích cực, chụp CT sọ não kiểm tra và tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị hẹp nhánh liên thất trước đoạn II 80%, san thương không ổn định và can thiệp thành công bằng Stent phủ thuốc trong vòng 20 phút. Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc theo dõi và điều trị tiếp.
Tại đây, dựa vào các xét nghiệm, bệnh nhân được lọc máu liên tục cấp cứu suy đa tạng và kết hợp sử dụng hệ thống thăm dò huyết động.
Quá trình điều trị của bệnh nhân diễn tiến theo hướng rất nặng khi huyết áp thấp phải sử dụng vận mạch liều cao, tình trạng thiểu niệu, vô niệu kéo dài, suy gan nặng, hôn mê gan, rối loạn đông máu, viêm phổi nặng đa kháng thuốc. Tuy nhiên, may mắn cùng với nỗ lực của các bác sĩ đã có kết quả, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, liều thuốc vận mạch giảm dần và ngưng, tình trạng thiểu niệu của bệnh nhân được cải thiện, lượng nước tiểu tăng dần, chức năng gan, thận cải thiện theo hướng tốt dần, tình trạng hô hấp cũng cải thiện.
Sáng 22/10, bệnh nhân đã ngưng lọc máu liên tục, tiên lượng khả quan hơn. Đặc biệt, nam bệnh nhân không mắc di chứng thần kinh dù đã ngừng tim 90 phút.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đánh giá, đây là bệnh nhân có thời gian ngưng tuần hoàn lâu nhất được cứu sống tại bệnh viện, một kỳ tích trong thực hành lâm sàng bệnh viện.
Theo bác sĩ Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trưởng ê-kíp can thiệp cho bệnh nhân, ngừng tuần hoàn là một biến cố cực kỳ trầm trọng, với tỷ lệ tử vong cao. Số liệu thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, ngừng tuần hoàn xảy ra ngoài bệnh viện có tỷ lệ tử vong trên 90%.
Hơn thế nữa, tỷ lệ bệnh nhân tim đập trở lại chỉ có 45% số ca sống sót. Trong số bệnh nhân sống sót, chỉ có 30% ra viện, còn lại phải lưu tại viện, duy trì sự sống bằng máy móc. Nguyên nhân quan trọng nhất là do tác động của hội chứng sau ngừng tuần hoàn, trong đó tổn thương não vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong.