Đời sống

Thanh Hoá siết chặt quản lý karaoke, vũ trường

Thanh Phương 23/10/2024 - 15:02

Nhằm siết chặt quản lý các hoạt động “nhạy cảm”, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra phòng, chống mại dâm; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn.

Qua kiểm tra hoạt động mại dâm, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường năm 2024 của các cơ quan chức năng cho thấy, các đối tượng chủ chứa, môi giới và gái mại dâm đã dùng nhiều thủ đoạn và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi.

karrag7.jpg
Siết chặt quản lý các hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn

Để qua mặt cơ quan chức năng, chủ chứa, chủ nhà nghỉ không trực tiếp nuôi, quản lý gái mại dâm mà thường giấu mặt điều hành gái bán dâm qua điện thoại; các đối tượng môi giới, gái bán dâm hoạt động tự do thường để lại số điện thoại liên lạc cho chủ nhà nghỉ, khách sạn, nhân viên lễ tân, bảo vệ… của khách sạn, nhà nghỉ để khi khách có nhu cầu thì sẽ liên hệ.

Người bán dâm, người mua dâm sử dụng các trang website, dịch vụ trực tuyến, “diễn đàn”, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram... để đăng ảnh gợi cảm, làm quen, “chát sex” để tìm đối tác mua, bán dâm… gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.

nhanvien.jpg
Tăng cường đấu tranh phòng, chống hoạt động mại dâm

Đa phần người bán dâm điều không có công ăn việc làm, trình độ văn hoá thấp, dễ bị lừa gạt hoặc có cuộc sống vật chất, tinh thần gặp nhiều trắc trở, đối tượng tham gia mua, bán dâm thành phần đa dạng và phức tạp.

Người bán dâm thường không đăng ký tạm trú tại địa chỉ bàn và không hoạt động bán dâm tại một chỗ cố định, sử dụng những phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện đi lại hiện đại và lợi dụng những kẽ hở của pháp luật với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, đấu tranh, xử lý của các cơ quan chức năng ở các vùng nông thôn, vùng núi, nhất là dân tộc ít người, kinh tế gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm, trình độ văn hoá thấp.

Số nữ thanh niên không có công ăn việc làm, nhu cầu đòi hỏi cá nhân cao, muốn tìm việc an nhàn, có thu nhập cao trong thời gian ngắn, để làm vốn sau này nên tự tìm đến con đường tiếp viên, gái bán dâm. Số học sinh, sinh viên từ nông thôn ra học tại thành thị, thấy có mức sống cao nên đua đòi dẫn đến làm thêm để có thu nhập mua điện thoại, máy tính, đồ xa xỉ… do vậy đi vào con đường mại dâm.

Qua kiểm tra tại 26 cơ sở hoạt động kinh doanh theo kế hoạch đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt trên địa bàn các huyện Thạch Thành, Nga Sơn, Thọ Xuân, thành phố Thanh Hoá và thành phố Sầm Sơn, trong đó có 4 cơ sở vi phạm hành chính, 5 cơ sở đang tạm dừng hoạt động.

Có 4 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền nộp vào kho bạc Nhà nước là 90.000 000 đồng (các cơ sở chưa được cấp giấy phép đảm bảo an ninh trật tự nhưng vẫn hoạt động kinh doanh lưu trú như: Khách sạn Trống Đồng 2, Khách sạn Mai Trang, Khách sạn Đông Nam, Khách sạn The Marron Hotel) do vi phạm kinh doanh dịch vụ lưu trú hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Nhiều cơ sở do làm ăn không hiệu quả đã ngừng hoạt động một số nội dung trong giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự được cấp, tuy nhiên chưa thông báo cho các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn như: Khách sạn Đại Phát, Khách sạn Thiên Ý, Nhà nghỉ Cường Lâm, Karaoke Hà Sáu, Khách sạn Hải Nam.

Các đơn vị được kiểm tra đề xuất các sở, ngành tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền các quy định pháp luật về lĩnh vực lao động; cam kết an ninh trật tự, khai báo tạm trú tạm vắng an ninh trật tự; văn hoá, du lịch; y tế, quản lý thị trường; bảo vệ môi trường để các cơ sở kịp thời năm bắt và thực hiện kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

Gần đây nhất, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến hành vi mua bán người, giữ người trái pháp luật, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke G7 tại thôn 1, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do Nguyễn văn Đức (sinh năm 1995) trú tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đứng tên điều hành hoạt động, giải cứu 58 nạn nhân là nữ giới (trong đó có 12 nạn nhân dưới 16 tuổi).

Cơ sở kinh doanh Karaoke G7 là tổ hợp các hình thức kinh doanh Karaoke, massage có tên pháp nhân là Công ty TNHH Phát triển Mạnh Đức do Nguyễn Văn Đức là người đứng tên và điều hành hoạt động. Để thu hút khách đến hát, chủ cơ sở này đã sử dùng nhiều thủ đoạn để tuyển nhiều nhân viên nữ có độ tuổi từ 14 đến 30 tuổi.

Hằng ngày, nhân viên buộc phải ăn mặc hở hang để phục vụ khách. Khi nhân viên đến làm việc tại Karaoke G7 được đưa vào khu nhà biệt lập để quản lý nghiêm ngặt, không được tự do đi lại, sinh hoạt, mọi hoạt động của nhân viên đều bị giám sát, theo dõi chặt chẽ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi” quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự; hành vi “giữ người trái pháp luật” quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự; hành vi “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hoá siết chặt quản lý karaoke, vũ trường