Vài năm gần đây, hiện tượng lúa “ma” mọc tràn lan khắp các cánh đồng đang khiến cho nhiều hộ dân lâm vào cảnh dở khóc dở cười, vì trồng lúa chỉ để nuôi trâu, bò.
Mấy năm trở lại đây, tại những cánh đồng trên địa bàn xã Quảng Long, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) xuất hiện những cây lúa “ma” mọc xen lẫn trong lúa. Ban đầu chúng chỉ xuất hiện một khóm nhỏ, nhưng chỉ trong vòng vài năm chúng đã nhanh chóng lan rộng ra khắp cánh đồng.
Chị Trần Thị Bình (SN 1975) trú tại thôn Bái Đông, cho biết: “Bắt đầu từ những năm 2013, sau khi chuẩn bị thu hoạch lúa thì tôi phát hiện có vài hàng lúa tự hiện rụng hết hạt. Ban đầu tôi chỉ nghĩ là do chim hoặc vịt phá hoại. Nhưng mấy vụ sau thì thấy hiện tượng này lan rộng khắp cánh đồng nên chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan chuyên môn nhờ giúp đỡ”.
Người dân phải rất vất vả để nhổ bỏ lúa "ma"
Theo lời giải thích của chị Bình, lúa “ma” mọc rất nhanh, thân cứng và khỏe hơn cây lúa bình thường, hạt của chúng thường có sợi dài khoảng 1,5cm. Chỉ cần cày bừa xong vài hôm lúa “ma” đã mọc lên nhanh chóng chẳng khác gì được reo cấy. Nhưng khi gần chín lúa lại rụng hết hạt, chính vì vậy mà giống lúa lạ này được người dân địa phương gọi là lúa “ma”.
Từ một đám lúa rất nhỏ, lúa “ma” nhanh chóng mọc lan rộng, không chỉ một cánh đồng mà lan ra toàn bộ những cánh đồng gần đây, khiến cho lúa truyền thống không mọc lên được. Hàng chục heta ruộng phải bán rẻ với giá 2 trăm nghìn/ sào cho trâu bò hoặc phải bỏ hoang, đời sống người dân lại càng khốn khó hơn trước đây.
Để ngăn chặn tình trạng lây lan của lúa “ma”, nhiều hộ dân đã tìm mọi biện pháp để khắc phục nhưng dường như đều vô hiệu. Bà Lê Thị Lý (SN 1969) trú tại thôn Bái Đông cho biết: “Sau khi thấy lúa ma mọc nhiều, chúng tôi đã tìm mọi biện pháp ngăn chặn, từ nhổ, đến phun thuốc cỏ cháy, ... thậm chí là múc bỏ đi một lớp đất nhưng đâu vẫn vào đấy, lúa ma không những không hết mà còn lan rộng ra các cánh đồng khác”.
Toàn bộ số lúa "ma" nhổ bỏ sẽ dùng để trâu bò ăn
Ông Bùi Công Rạng, Bí thư Chi Bộ kiêm Trưởng thôn Bái Đông chia sẻ: “Cách đây khoảng 5 năm, ở thôn Bái Đông đã bắt đầu xuất hiện lúa ma, nhưng không ai để ý và nghĩ là do chim hoặc vịt phá hoại nên lúa rụng hết hạt. Vài năm trở lại đây lúa ma mọc nhanh chóng, không có biện pháp nào để ngăn chặn. Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền và được các cơ quan chuyên môn về kiểm tra. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân không nên gieo sạ mà nên cấy để tránh lây lan, chúng tôi đã làm theo nhưng vẫn không có hiệu quả”.
Không đành lòng nhìn những cánh đồng bị mất trắng vì lúa ma, nhiều hộ dân đã đề nghị xin được hỗ trợ vì mọi thu nhập của họ chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Tuy nhiên phía chính quyền lại trả lời đây chỉ là do lẫn tạp chất chứ không phải do thiên tai. Cũng theo tính toán sơ bộ của vị Bí thư kiêm trưởng thôn Bái Đông, toàn thôn hiện có khoảng 5ha lẫn tạp nhẹ, 3ha nhiễm tạp nặng.
Lúa "ma" (khoanh đỏ) thường phát triển rất nhanh, có thân cao hơn lúa thường. lúc nhỏ rát khó để phân biệt
Ông Hồ Xuân Hương, Chủ tịch xã Quảng Long cho biết: “Tình trạng lúa ma mọc ở các cánh đồng tại địa phương đã diễn ra rất lâu, nhưng 2 năm nay tình trạng này diễn ra mạnh hơn khiến cho các hộ dân phải bỏ cả ruộng. Trong toàn xã có 317 ha lúa thì có hơn 20 ha đã bị lúa ma lây lan, nhiều nhất ở 3 thôn Lộc Long, Bái Đông, Thổ Ngõa”.
“Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền xã đã làm báo cáo gửi lên Phòng Nông nghiệp huyện để tìm biện pháp xử lý. Cán bộ Khuyến nông huyện đã xuống kiểm tra và khuyến cáo bà con nên nhổ bỏ và không nên gieo sạ để tránh lây lan, vì lúa ma có đặc tính như cây lúa nên không có thuốc nào để giệt trừ. Tới đây chúng tôi tiếp tục làm báo cáo gửi huyện đề nghị mời các phòng chuyên môn của tỉnh về nghiên cứu tìm biện pháp ngăn chặn loại lúa lạ này”, ông Hương cho biết thêm.