Xuyên suốt chiều dài phát triển của đất nước, không lúc nào thiếu được sự đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Một doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, khai phá các lĩnh vực mới, vùng đất khó sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, nền tảng bền vững cho người dân an cư, lạc nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến khó lường, vai trò của doanh nghiệp càng thể hiện rõ nét.
Trong lộ trình phát triển của xứ Thanh trở thành cực tăng trưởng mới, doanh nghiệp, doanh nhân được đặt ở vị trí quan trọng, bệ phóng vững chắc cho các thành tố khác. Những năm qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, khích lệ doanh nghiệp bằng chủ trương, đường lối đúng đắn. Từ đó cởi được nút thắt để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát huy năng lực, trí tuệ, sự sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, góp phần cho Thanh Hóa có những bước tiến thần tốc.
Trước thử thách cực đại mang tên Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Để chèo lái con thuyền ra biển lớn, đội ngũ doanh nhân xứ Thanh đã trang bị cho mình tinh thần chủ động thích ứng, chấp nhận rủi ro, không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách. Những liều vác xin niềm tin, sự kiên cường từ Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa đã tiếp sức cho doanh nhân dấn thân vào vùng đất khó, lĩnh vực mới. Với tinh thần nghĩ lớn, làm quyết liệt, bài bản, bức tranh doanh nghiệp năm 2021 tiếp tục có nhiều điểm sáng.
Tính từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã thành lập mới 2.147 doanh nghiệp, tăng 7,8% so với cùng kỳ, đứng thứ 7 cả nước. Khu vực doanh nghiệp hiện chiếm gần 70% tổng thu ngân sách Nhà nước và đóng góp khoảng 60% GRDP của tỉnh. Bên cạnh việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, cộng đồng và đội ngũ doanh nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội vì cộng đồng. Doanh nghiệp, doanh nhân xứ Thanh đã ủng hộ, quyên góp khoảng 69,5 tỷ đồng, 52 máy thở, 15 hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR, 75.000 khẩu trang và các trang thiết bị, vật tư y tế khác với giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần đắc lực vào phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Doanh nghiệp Thanh Hóa vững vàng phát triển trong mọi khó khăn thử thách tạo hành lang rộng mở để Thanh Hóa bước vào con đường cao tốc đi đến thịnh vượng. 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng GRDP 8,06%, đứng trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,26% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, hiện đã vượt kế hoạch năm và tăng 53,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 102.914 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong 3 quý 2021, Thanh Hóa thu hút được 73 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 21.853 tỷ đồng và 42,7 triệu USD; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 24.400 tỷ đồng, bằng 92% dự toán năm và tăng 15% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thử thách và thời cơ luôn đi liền với nhau, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao khả năng cạnh tranh. Thành công sẽ đến đối với doanh nghiệp năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đẩy mạnh tái cấu trúc, thay đổi chiến lược quản lý rủi ro và quản trị khủng hoảng, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với mọi biến động. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Thanh Hóa quyết tâm xây dựng chính quyền đổi mới, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ. Cả hệ thống vào cuộc, các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thanh Hóa thành lập tổ trợ giúp để các đơn vị, doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục triển khai dự án trên địa bàn. Qúa trình hoạt động gặp khó khăn, vướng mắc sẽ được lãnh đạo tỉnh trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ.
Các ngành, địa phương cần nâng cao tính năng động và tiên phong của người đứng đầu trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp. Đồng thời linh hoạt, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc, kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các giải pháp về thị trường, thuế, sản phẩm, công nghệ, hỗ trợ đào tạo, khởi nghiệp, phát triển nguồn nhân lực… Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả. Tập trung triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các gói hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chưa khi nào cánh cửa đầu tư tại Thanh Hóa lại rộng mở, thân thiện và được quan tâm như lúc này. Những lực cản từ hệ thống quản lý chồng chéo đã được tháo gỡ, đường cao tốc Bắc- Nam, cao tốc phía Đông, hàng không, cảng biển… hội đủ chờ nhà đầu tư nắm bắt thời cơ. Giấc mơ thịnh vượng xứ Thanh đang dần hiện hữu, những chất liệu tốt nhất chắp cánh cho doanh nghiệp bay cao luôn sẵn sàng. Đất lành Thanh Hóa đang chào đón.