Đặt người dân ở trung tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) để phát huy sức mạnh tập thể, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng. Đó là chìa khóa để khai phá thành công vùng đất khó Thiệu Hóa đâm hoa, trĩu quả, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Thiệu Hóa (Thanh Hóa) hôm nay đã thay da, đổi thịt, một không khí tràn đầy sức sống. Những làng nghề truyền thống tấp nập người ra, khách vào như nghề đúc đồng (làng Chè Đông), nghề ươm tơ dệt nhiễu (làng Hồng Đô)… Trên những triền đê, tốp cô gái đương son sắc say điệu chèo cổ, khiến khách qua đường đổ theo câu hát chèo chải hê (Thiệu Nguyên) hay điệu múa đèn xếp chữ (Thiệu Quang)... Tất cả đã được khôi phục để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lại. Một Thiệu Hóa rất riêng, đặc sắc và hiện đại.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Thế Anh cho biết: Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện Thiệu Hóa mới đạt bình quân 5,7 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao (22,29%)... Khó khăn là vậy, nhưng với truyền thống của quê hương cách mạng, huyện Thiệu Hóa đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trong huyện đã tạo nên sức mạnh to lớn giúp huyện Thiệu Hóa đổi thay từng ngày.
Trong những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch, đề án, phương án và chương trình hành động để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM - là một trong những huyện có nhiều chính sách kích cầu về NTM nhất được tỉnh đánh giá cao như: thưởng 1 tỷ đồng cho các xã điểm của huyện, của tỉnh khi hoàn thành xã NTM (Giai đoạn 2011-2014); thưởng cho các xã đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2015-2020 là 500 triệu đồng; hỗ trợ kích cầu khi trường học đạt chuẩn Quốc gia 200 triệu đồng 1 trường, hỗ trợ kích cầu xây dựng mới mỗi nhà văn hóa thôn, tiểu khu mức hỗ trợ 100 triệu đồng, hỗ trợ 100 triệu đồng/1km kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng, 40 triệu đồng/xã cho các xã thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất theo nhóm hộ theo tinh thần Nghị quyết 06 của BCH Huyện ủy. Ngoài ra, còn có các cơ chế hỗ trợ kích cầu phát triển sản xuất rau củ quả an toàn, hỗ trợ xây dựng nhà màng, hỗ trợ mua máy cấy, máy gặt đập liên hợp... Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ các xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 là hơn 100 tỷ đồng. Những chính sách hỗ trợ của huyện đã trở thành động lực thu hút đầu tư và huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp tạo khí thế thi đua sôi nổi thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện.
Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Thiệu Hóa đã có bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần, dân trí của người dân ngày càng được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn trong sạch vững mạnh; quốc phòng an ninh và trật tự an sinh xã hội được giữ vững; diện mạo làng xã khang trang, khởi sắc; nhân dân phấn khởi và tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước... Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2021 đạt 13,72%, trong đó năm 2021 ước đạt 13,2%, cao hơn 0,72% so với giai đoạn 2005 - 2010. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm từ 40% năm 2011 còn 23,5% năm 2020; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 35,2% lên 43,4%; ngành dịch vụ tăng từ 24,8 % lên 33,1%. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 ước đạt 11.494 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm 2011. Đáng chú ý là, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm nhanh từ 23,27% năm 2010 xuống còn 1,24% năm 2021 theo tiêu chí NTM. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 46,5 triệu đồng, gấp 3,55 lần năm 2011.
Năm 2021 giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp ước đạt 134 triệu đồng/ha tăng 46,3 triệu đồng so với năm 2011. Tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 115 nghìn tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện. Huyện đã tập trung đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Từ năm 2015 đến năm 2021 đã chuyển đổi được 680 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản. Tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn được quan tâm, đến nay toàn huyện có 418,4 ha mô hình tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất theo hướng công nghệ cao là 169 ha.
Giao thông trên địa bàn huyện Thiệu Hóa khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM có nhiều bất lợi do hệ thống các sông lớn chia cắt địa hình, nhiều tuyến đường chưa được cứng hóa, đường nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại sản xuất, dân sinh cũng như tiêu chí NTM. Nhưng với những nỗ lực cùng sự đồng lòng của các tần lớp nhân dân, sự quan tâm ủng hộ của các cơ ban ngành tỉnh nên trong những năm qua giao thông trên địa bàn huyện được thay đổi rõ rệt. Năm 2011, đường xã cứng hóa 65,94%; đường trục thôn, liên thôn 57,97%; đường ngõ, xóm 52,97%; đường trục chính giao thông nội đồng 7,6%; còn lại chủ yếu là đường cấp phối, đường đất, nhiều tuyến đường bị ngập úng, lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng chủ yếu là đường đất, nền và mặt đường nhỏ, hẹp... Hệ thống thủy lợi của các xã đáp ứng được 75,9% diện tích gieo trồng, tổng chiều dài hệ thống kênh mương trên toàn huyện đã kiên cố hóa đạt 39,1%. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, huyện cũng đã ban hành các chính sách kích cầu, hỗ trợ các xã đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến kênh mương trên địa bàn, đến nay hệ thống công trình thuỷ lợi ở các xã đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ, từ kênh liên xã đến mặt ruộng; tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa là 73,7%, trong đó tỷ lệ kênh mương nội đồng do các xã, thị trấn quản lý được kiên cố hóa là 85,8%, tổng kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn huyện có 279 doanh nghiệp lớn nhỏ, 2.188 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết được 13.000 lao động, trong đó 4 công ty may trên địa bàn đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn đạt 64,36%. Ngành dịch vụ, thương mại đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2021 đạt trên 15 triệu USD.
Song song với quá trình phát triển kinh tế, Thiệu Hóa cũng chú trọng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân; đồng thời đảm bảo tốt công tác an ninh - quốc phòng. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư; thường xuyên rà soát, điều chỉnh hương ước, quy ước của các thôn, làng để phù hợp với yêu cầu phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng làng văn hóa; giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; quản lý tốt các di tích lịch sử, văn hoá. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương, giữ vững là đơn vị dẫn đầu trong ngành giáo dục của tỉnh.
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, huyện Thiệu Hóa tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển ổn định kinh tế, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đề ra. Thiệu Hóa đã hoàn thiện hồ sơ trình Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thẩm tra đề nghị Trung ương thẩm định và công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thiệu Hóa.