Trong quá trình thi công, nâng cấp đường giao thông nông thôn từ thị trấn Yên Cát (Như Xuân) tới xã Xuân Khang (Như Thanh) bụi bay mù mịt khiến người dân phải chịu trận...
Nhiều ngày qua, người dân thôn Đồng Hơn (xã Xuân Khang) rất bức xúc vì đơn vị thi công đào, đắp mặt đường tỉnh lộ 520C khiến cho bụi bay khắp nơi. Trên trục đường này là tuyến nối 2 huyện Như Thanh - Như Xuân nên lượng người và phương tiện lưu thông khá đông.
Ngay đầu tuyến vào có trường Trung học cơ sở Xuân Khang với hàng trăm học sinh và giáo viên mỗi ngày bị tra tấn bởi bụi, tiếng ồn của máy móc. Do thời tiết hanh khô, nắng nóng kèo dài nên chỉ cần có xe máy đi qua là bụi đã được dịp tỏa đi khắp nơi.
Ông Nguyễn Đình L. (người dân địa phương) nói: “Bụi mù mịt nên con tôi đi học về là phải thay ngay quần áo ra. Mỗi ngày ít nhất 2 bộ. Họ làm đường mà không chịu tưới nước để giảm thiểu ô nhiễm gì cả. Ở đâu làm ẩu thì được, chứ đây là khu vực trường học, khu dân cư đông đúc thế này thì phải có giải pháp để đỡ làm ảnh hưởng tới đời sống người dân”...
Không chỉ có bụi, trên tuyến đường này, đơn vị thi công đang tiến hành làm rãnh thoát nước, phía trong đổ bê tông nền đường. Thế nhưng, không ít đoạn rãnh thoát nước đổ ẩu đã bị nứt, bê tông lem nhem, chỗ phình, chỗ hụt. Phần mặt đường bê tông không khó để thấy những vết nứt chạy dài.
Được biết, công trình Sửa chữa nền mặt đường và đường tràn đoạn Km16+600 - Km18+900 đường Yên Cát - Xuân Khang (ĐT.520C) có giá trị xây lắp hơn 10 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trung Phần (địa chỉ tại TP Thanh Hóa, do ông Trần Trọng Ninh làm người đại diện pháp luật) thi công.
Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật, đối với vị trí sình lún nền, mặt đường đào bỏ toàn bộ phần nền, mặt đường bị sình lún sâu trung bình 60cm, lu lèn lại nền đường; hoàn trả bằng lớp đất đá thải dày 30cm (tận dụng đất đào nền, bạt mái taluy), hoàn trả kết cấu móng đường bằng lớp đá dăm nước lớp dưới dày 30cm (chia 02 lớp để thi công).
Đối với vị trí sình lún nền, mặt đường đào bỏ toàn bộ phần nền, mặt đường bị sình lún sâu trung bình 60cm, lu lèn lại nền đường; hoàn trả bằng lớp đất đá thải dày 30cm (tận dụng đất đào nền, bạt mái taluy), hoàn trả kết cấu móng đường bằng lớp đá dăm nước lớp dưới dày 30cm (chia 02 lớp để thi công).
Toàn bộ mặt đường sau khi sửa chữa các hư hỏng (sình lún, gia cố lề) được khôi phục, tăng cường bằng lớp BTXM M300 dày 22cm đặt trên lớp nilon tái sinh. Những vị trí không thiết kế rãnh dọc đắp phụ lề đường bằng đất, độ chặt K≥0,95 đảm bảo cao độ phù hợp với cao độ mặt đường sau khi sửa chữa. Những vị trí thiết kế rãnh dọc phần lề đường từ mép mặt đường xe chạy đến mép rãnh gia cố bằng lớp bê tông dày 18cm…
Trao đổi với PV vào sáng 14/10, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, cho hay: “Dự án này do Sở làm chủ đầu tư, giao cho Ban Quản lý bảo trì công trình giao thông và Điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng triển khai thực hiện. Chúng tôi ghi nhận những bất cập từ phản ánh của cơ quan báo chí và sẽ chỉ đạo các đơn vị thi công khắc phục ngay, có biện pháp đảm bảo an toàn thi công, giảm thiểu ảnh hưởng tới đời sống người dân, học sinh. Những hạng mục nào không đảm bảo chất lượng sẽ yêu cầu làm lại”...