Trước tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm có chiều hướng gia tăng, ngành Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm ổ dịch mới trong cộng đồng, nâng cao năng lực xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa mới đây cho thấy, từ đầu năm đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương này ghi nhận 4.435 ca mắc COVID-19, 1 ca tử vong; 290 ca sốt xuất huyết, 1 ca tử vong; 193 ca tay chân miệng; 18 ca nghi viêm não do vi-rút; 29 ca mắc sởi; 7 ca liệt mềm cấp nghi bại liệt; 1 ca uốn ván sơ sinh; 1 ca whitmore.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đã được kiện toàn; nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch được ban hành và triển khai thực hiện. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch về việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.
Yêu cầu cơ quan chuyên môn xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: Sốt xuất huyết, dại, viêm gan vi-rút, đậu mùa khỉ, sốt rét, tiêm phòng vaccine COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang diễn ra khá phức tạp tại một số địa phương trên cả nước. Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa thường xuyên phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết tại bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt phát hiện sớm các ca bệnh mới, khoanh vùng xử lý không để dịch lây lan trong cộng đồng.
Triển khai giám sát dịch tễ ca bệnh, điều tra véc-tơ, phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường tại các điểm dịch phức tạp, các điểm nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.
Thông tin từ CDC Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 8 ổ dịch với 319 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Những địa phương có số bệnh nhân mắc cao như thị xã Nghi Sơn, huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Như Thanh...
Cơ quan chức năng đã tổ chức triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
Đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.
Tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt...
Bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch.
Mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về bệnh truyền nhiễm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách tham gia tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và theo khuyến cáo của ngành y tế.
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chăm sóc y tế phù hợp. Cùng với đó, cần tăng sức đề kháng qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thể thao đều đặn để tăng sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập.