Nhân viên Công ty KVS căng băng-rôn quanh xe ôtô đến Tổng Công ty Bất động sản Đông Á (Thanh Hóa) để đòi nợ hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần 8 tháng sau, hành vi của họ bị Cơ quan điều tra khởi tố.
Theo đơn của ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Kenanga Việt Nam (viết tắt là KVS), có trụ sở tại số 2D phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội: Ông Cao Tiến Đoan là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bất động sản Đông Á (có trụ sở tại Thanh Hóa) đã nhiều lần nhờ ông Sơn đứng ra vay hộ số tiền hơn 20 tỷ đồng. Đồng thời, Tổng Công ty Đông Á cũng vay vốn của Công ty KVS để đầu tư kinh doanh với số tiền trên 30 tỷ đồng. Việc vay mượn này diễn ra từ cuối năm 2011 nhưng Tổng Công ty Đông Á và ông Đoan luôn khất lần nghĩa vụ trả nợ cho Công ty KVS và cá nhân ông Sơn.
Sau nhiều lần tìm cách liên lạc với ông Cao Tiến Đoan để thu hồi nợ mà không thành, ngày 26/5/2015, Công ty KVS đã cử 5 nhân viên đến trụ sở Tổng Công ty BĐS Đông Á gặp ông Đoan để bàn việc giải quyết công nợ. Trước đó, tổ công tác này đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại để hẹn lịch làm việc với ông Đoan nhưng không được. Khi gần đến trụ sở Tổng Công ty Đông Á, xe ôtô trong đoàn đi đã được căng băng rôn treo dọc thân xe với nội dung dọc thân xe với nội dung “yêu cầu ông Cao Tiến Đoan phải trả cho Công ty KVS 31 tỷ và trả ông Cao Văn Sơn 21 tỷ”.
Chiếc xe ôtô được căng băng rôn
Khi nhóm công tác của KVS tới trụ sở Tổng Công ty BĐS Đông Á, ông Đoan không tiếp mà cho người đưa họ vào phòng kín, khóa cửa lại và cho nhân viên của mình ra uy hiếp, chặn giữ xe ô tô của đoàn. Một lúc sau, khoảng 30 cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Thanh Hóa tới bao vây và giữ nhóm nhân viên Công ty KVS hơn 10 tiếng đồng hồ (từ 14h đến 23h đêm) tại trụ sở của Tổng Công ty BĐS Đông Á. Tại đây, Công an đã tiến hành ghi lời khai, thu thập chứng cứ, khám ô tô...với mục đích tìm kiếm các hung khí, vũ khí theo tố cáo của doanh nghiệp, họ là xã hội đen đến đe dọa, quấy rối Tổng Công ty BĐS Đông Á.
Ngày 18/6/2015, Đại tá Hoàng Chí Thành và Nguyễn Thế Trung - CSĐT Công an TP Thanh Hóa đến trụ sở Công ty KVS làm việc. Đoàn đã kiểm tra hồ sơ 5 người vào Thanh Hóa ngày 26/5/2015, tất cả đều có hợp đồng lao động, bảng lương, bảo hiểm. Sau khi tiếp xúc với từng người, ông Thành cho rằng, việc ông Đoan tố Công ty KVS dùng xã hội đen vào đòi nợ, gây mất trật tự, qua xác minh là không có cơ sở. Tuy nhiên, Công an đề nghị ông Sơn phải chứng minh ông Đoan có nợ cá nhân, nếu không đủ chứng cứ, ông Sơn sẽ phạm tội làm nhục ông Đoan. Ngay buổi đó, ông Sơn đã cung cấp đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh đến thời điểm 25/6/2015, ông Đoan còn nợ ông 22 tỷ đồng…
Bất ngờ, sau thời gian dài im lặng của Công an TP. Thanh Hóa, ngày 15/12/2015, 5 nhân viên của Công ty KVS nhận được giấy triệu tập của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải có mặt tại trụ sở Công an tỉnh. Càng bất ngờ hơn, ngày 2/2, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 BLHS từ hành vi đi đòi nợ của Công ty KVS.
Nhận định về vụ án, Luật sư Nguyễn Thị Tố Loan, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà An cho rằng, PC44 Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án theo Điều 258 BLHS là khiên cưỡng. Bởi lẽ, đi đòi nợ là một việc bình thường trong xã hội, những người đi đòi nợ là nhân viên của Công ty KVS, chứ không phải là xã hội đen, không hề có dấu hiệu tội phạm của tội này. Căn cứ hồ sơ vụ việc, có thể thấy việc vay nợ giữa cá nhân ông Sơn, Công ty KVS và ông Đoan, Tổng Công ty BĐS Đông Á là có thật nên không thể xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc vay mượn hợp tác kinh doanh, thu hồi công nợ giữa hai bên do kéo dài quá lâu đã gây tổn thất không nhỏ cho Công ty KVS và ông Cao Văn Sơn.
Trước đó, trong một diễn biến khác của một hành vi gần tương tự được đăng trên Báo Dân Việt, chiều 23/2, Công an TP. Mỹ Tho, Tiền Giang đã mời bà Huỳnh Thị Lệ Trinh (chủ khách sạn 2222, phường 5, TP. Mỹ Tho) đến trụ sở để làm thủ tục trả ôtô, được xác định là “tang vật vi phạm hành chính”. Trước đó, bà Trinh căng băng-rôn hai bên hông xe nêu tên hai cán bộ đang công tác ở phường 1 và phường 5, TP. Mỹ Tho. Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, hành vi căng băng-rôn của bà Trinh không thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xem xét xử lý vi phạm hành chính…
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Công an tỉnh và VKSND tỉnh Thanh Hóa nhưng chưa nhận được hồi âm.