Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, bằng sự tâm huyết, ngọn lửa đam mê cùng với đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân, nên nghề mộc hiện đang phát triển tốt. Sản phẩm từ các làng nghề mộc ở làng Phú Nghĩa rất nổi tiếng về độ tinh xảo, độc đáo, thu hút đông đảo khách hàng muôn phương tìm đến đặt hàng.
Giữ “lửa” nghề mộc truyền thống
Làng mộc Phú Nghĩa (xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy ngày nay) có từ rất lâu đời và cũng là nơi khởi nguồn cho nghề mộc truyền thống của huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, những người thợ mộc “lão làng” ở đây cũng không thể biết chính xác nghề mộc có từ thế kỷ nào.
Nghề được người dân xưa kia duy trì theo hình thức cha truyền con nối và cứ thế theo mãi cho đến tận ngày hôm nay. Nhờ đó, làng mộc Phú Nghĩa phát triển ổn định, tạo việc làm và đem về thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Tìm về xã Quỳnh Nghĩa, ấn tượng với chúng tôi là không khí lao động khẩn trương, hăng say của những người thợ làm nghề trong các cơ sở hòa cùng với tiếng máy cưa, máy bào và tiếng đục, đẽo vang vọng khắp cả xóm làng.
Gặp ông Trương Đắc Chính, một người có thâm niên làm nghề mộc gần 40 năm ở xã Quỳnh Nghĩa, chia sẻ: Nghề mộc được xem là công việc nặng nhọc, làm việc rất vất vả. Thời điểm nhận nhiều đơn hàng, người thợ phải làm việc quần quật suốt ngày trong môi trường rất nhiều bụi gỗ, tiếng ồn và đối mặt với hiểm nguy thường trực từ các loại máy móc. Mặc dù vậy, thừa hưởng “lửa” nghề từ cha ông và niềm đam mê với chạm trỗ, đục đẽo đã ngấm sâu vào máu, nên ông Chính đã quyết tâm xây dựng nên thương hiệu đồ gỗ cho gia đình.
Với đặc trưng từ nghề của gia đình là làm nội thất các kiểu nhà cổ truyền và nhà thờ, nhà chùa; các sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế. Do vậy, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, ông thường nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng.
Theo ông, để có thể gắn bó lâu dài với nghề thì đòi hỏi mỗi người thợ phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, bàn tay khéo léo, kỹ thuật cao mới tạo ra được những tác phẩm có hồn. Đặc biệt, phải cẩn thận ngay từ khâu đầu tiên là phải chọn gỗ nguyên khối đảm bảo chất lượng, độ khô. Quan trọng tiếp theo là làm tốt phần tinh, bao gồm bào gỗ bóng, trơn, đẹp, sơn dầu phù hợp.
Để giảm sức lao động cho các công nhân, năm 2012 ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để thay thế các loại dụng cụ bằng tay sang các loại máy móc công nghệ hiện đại như: Máy chạm khắc, đánh ráp, nâng gỗ và máy cưa, bào, đục vi tính, khoan…
Trước khi khởi động máy đục, ông Chính đã hướng dẫn công nhân tạo mẫu, sửa hình ảnh, điều chỉnh màu, tạo cảnh đục sâu hay cạn rồi cho ra thành từng file trên máy tính. Sau đó, mới kích hoạt máy đục, giúp máy nhận biết chỗ nào cho mũi kim lên, xuống, dài hay rộng để cho ra sản phẩm chuẩn, đẹp mắt.
Với sự kết hợp từ máy móc, khối óc sáng tạo của người làm nghề nên số lượng đơn hàng ông nhận được ngày càng cao. Nhờ đó, doanh thu mỗi năm của gia đình đạt từ 5 – 7 tỷ đồng. Từ nghề, ông còn tạo việc làm ổn định cho 8 lao động, với mức lương bình quân hơn 10 triệu đồng/người.
Góp sức bảo tồn và phát triển nghề
Xã Quỳnh Nghĩa hiện có hơn 100 hộ làm nghề mộc, với 350 lao động tập trung phần lớn ở thôn Nghĩa Phú. Doanh thu hàng năm từ nghề đạt từ 70 – 80 tỷ đồng. Theo các bậc cao niên ở địa phương, thợ mộc ở Phú Nghĩa không chỉ làm được các kiểu nhà tứ trụ, oai bẩy, tam oai, cổ nghế…, mà còn làm được nhiều đình, đền, chùa và cả những con tàu lớn vững chãi rẽ sóng vươn khơi xa.
Họ còn kiêm cả nghề thợ chạm, chạm cửa trong hoành phi, chạm long ly quy phượng, chạm tùng cúc trúc mai; làm các đồ tế khí như hương án, khám thờ, giao ỷ, mâm cổ bồng, bát bửu; tác các tượng thần, tượng phật. Ngoài ra, họ còn sản xuất các mặt hàng trang trí nội thất rất đẹp như giường, tủ, bàn ghế…
Để nhận được nhiều đơn đặt hàng không những trong huyện mà cả những địa phương khác trong và ngoài tỉnh, nghề mộc xưa nay ở Quỳnh Nghĩa chú trọng nhất là bàn tay khéo léo, đôi mắt thẩm mỹ, năng khiếu nghệ thuật mới tạo ra được sản phẩm độc đáo, bắt mắt với họa tiết hoa văn tinh tế.
Vì vậy, mỗi người thợ đều phải không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân và luôn biết cách làm mới mình nhằm tạo sản phẩm thu hút được thị hiếu của khách hàng. Nhờ đó, nghề mộc ở Quỳnh Nghĩa luôn được duy trì và phát triển ổn định, sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường.
Ông Tô Duy Hiền – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa, cho biết: Nghề mộc mỹ nghệ - dân dụng của địa phương là nghề có truyền thống xa xưa để lại và từng bước được cải tiến, phát triển từ năm 1976. Làng nghề đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của xã nhà; nhân dân đã cần cù lao động giữ gìn bản sắc sản xuất truyền thống, duy trì hàng hóa có tính cổ truyền của địa phương. Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ khóa 27, Quỳnh Nghĩa đã có chủ trương quy hoạch đưa làng nghề vào sản xuất quy mô tập trung.
Đến xã Quỳnh Hưng - nơi vốn nổi tiếng về những người thợ có tay nghề cao, biến những khối gỗ thô sơ, sần sùi thành những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt; chúng tôi đã chứng kiến cách các lao động chăm chút tỉ mỉ qua từng chi tiết, trang trí lên từng sản phẩm có giá trị từ hàng triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nghề mộc ở Quỳnh Hưng tập trung tại hai làng Nam Thắng và Thuận Giang. Từ xưa, những người dân địa phương đã tự học nghề từ những người thợ mộc giỏi ở ngoài Bắc như Hà Nam, Bắc Ninh khi họ vào Nghệ An. Dần dần nghề mộc ở Quỳnh Hưng đã lan tỏa rộng ra và phát triển mạnh, trở nên có tiếng tăm trong vùng.
Đây cũng là nghề cho thu nhập chính của người dân trong làng. Trước đây, nghề mộc nơi đây chủ yếu chỉ có lao động nam, những năm gần đây để tăng năng suất lao động cũng như kịp bàn giao hàng cho khách, nhiều chị em phụ nữ cũng tham gia làm các công đoạn như đánh bóng, quét sơn…
Bà Lê Thị Hoa – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hung cho biết: Để nâng cao chất lượng và khả năng năng cạnh tranh của nghề mộc địa phương với các nơi khác, hiện nay 100% các hộ đều đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc công nghệ cao về sản xuất ở từng công đoạn như cưa xẻ gỗ, lên ván, chạm trỗ đến đánh nhám và phun sơn.
Nhờ đó, hiệu quả công việc tăng lên gấp 10 lần so với làm thủ công như trước đây. Hơn nữa, các thông số, kích cỡ, đường nét qua từng mũi đục của máy rất chuẩn xác, nên các sản phẩm bàn, ghế, tủ các loại làm ra ở các làng nghề mộc Quỳnh Hưng rất được thị trường ưa chuộng.
Mỗi năm từ nghề đã cho địa phương thu nhập trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, sản phẩm của các làng nghề mộc bán chậm nên người dân cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Huyện Quỳnh Lưu hiện có 7 làng nghề mộc, tập trung ở 6 xã (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng và Quỳnh Minh), với hơn 700 hộ tham gia sản xuất. Ngoài các cơ sở đang hoạt động tại 7 làng nghề, toàn huyện còn có khoảng 200 hộ cũng mở xưởng tại nhà, nằm rải rác ở đều tất cả các xã, thị trấn.
Làng nghề có 62 xưởng chuyên sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ cao cấp, mỗi năm sản xuất ra hơn 3.000 sản phẩm cao cấp và trên 40.000 sản phẩm mộc dân dụng phục vụ khách hàng. Chất lượng sản phẩm tốt, đa dạng về chủng loại, phong phú mẫu mã và tạo được thương hiệu trên thị trường.
Có thể thấy, đằng sau những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, độ tinh xảo cao là nỗi vất vả, nhọc nhằn của người thợ mộc. Nhưng trên hết trong bản thân họ đều chứa đựng niềm vui khi những sản phẩm mang đầy tâm huyết ra thị trường được người tiêu dùng tin chọn. Đây cũng chính là động lực để họ tiếp tục giữ “lửa” nghề trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.