Tháng hai, lại nhớ Bà Triệu oai hùng cưỡi voi xung trận

Thanh Phương| 02/04/2018 14:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm (chính lễ là từ ngày 19 đến ngày 24), Lễ hội Bà Triệu được tổ chức. Đây là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, thu hút hàng nghìn du khách cả nước về tham quan, hành lễ.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu nằm cạnh Quốc lộ 1A thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội khoảng 120 km về phía Nam, cách thành phố Thanh Hóa 17 km về phía Bắc.

Tháng hai, lại nhớ Bà Triệu oai hùng cưỡi voi xung trận

Di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu tại Hậu Lộc, Thanh Hóa

Từ bao đời nay, khí phách hiên ngang, anh dũng của nữ tướng Triệu Thị Trinh đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Để tưởng nhớ, tri ân công đức của Bà, nhân dân ta đã dựng đền thờ tại nơi bà sinh ra, nơi tụ binh khởi nghĩa, và chiến  đấu chống quân Ngô xâm lược... Những di tích này hiện  không chỉ là những điểm tham quan thu hút du khách mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tương truyền, từ thế kỷ thứ 3, sau khi Bà Triệu hy sinh trên núi Tùng, dân làng đã xây dựng ngôi đình để thờ Bà và phong bà là Thành hoàng làng. Đến thế kỷ 18, đình được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của đình làng Bắc Bộ. Bằng tấm lòng biết ơn, ngưỡng vọng dành cho Vua Bà, từ trước đến nay, nhân dân trong làng thường xuyên thay nhau chăm sóc, trông coi ngôi đình.

Tháng hai, lại nhớ Bà Triệu oai hùng cưỡi voi xung trận

Đền Bà Triệu ở thế đất vững chãi, tựa lưng vào núi

Theo sử sách ghi lại, Bà Triệu tên húy là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2/10 năm Bính Ngọ (tức năm 226) tại vùng Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định). Bà là người dung nhan đẹp, ý chí kiên cường, giỏi võ nghệ, mưu trí hơn người. Cha mẹ mất sớm, Triệu Thị Trinh ở với anh trai là Triệu Quốc Đạt - một huyện lệnh có lòng yêu nước, thương dân.

Vào thế kỷ thứ III (sau CN), sau sự sụp đổ của nhà Đông Hán vào năm 220, nước Trung Quốc phong kiến hình thành cục diện tam quốc: Ngụy, Thục, Ngô (220 - 280), nước ta lúc này bị nhà Ngô chiếm đóng, cai trị. Không cam chịu ách độ hộ tàn bạo của nhà Ngô đối với nhân dân ta, khi tuổi 17 - 18, Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập trung lực lượng, dấy binh khởi nghĩa ở vùng núi Quan Yên. Nhân dân khắp nơi hưởng ứng tham gia, trong một thời gian ngắn - lực lượng nghĩa quân lên đến hàng vạn người. Sau khi Triệu Quốc Đạt mất, bà được nghĩa quân tôn làm chủ tướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Tháng hai, lại nhớ Bà Triệu oai hùng cưỡi voi xung trận

Hình ảnh Bà Triệu oai hùng cưỡi voi xung trận (ảnh internet)

Bước đầu, cuộc khởi nghĩa đã giành được nhiều thắng lợi, làm “chấn động Giao Châu”, là nỗi khiếp sợ của giặc, uy danh của Bà Triệu và nghĩa quân đã khiến giặc Ngô phải thốt lên rằng “Vung tay đánh cọp xem còn dễ, đối diện Bà Vương mới khó sao”. Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, năm Mậu Thìn (năm 248), triều Đông Ngô đã phải cử tướng Lục Dận - người có nhiều kinh nghiệm chiến trường, giữ chức Thứ Sử Giao Châu, chỉ huy một đạo quân hùng mạnh gồm 8.000 quân sĩ, có cả chiến thuyền yểm trợ tiến vào nước ta để đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu.

Sau nhiều tháng vây hãm căn cứ chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại núi Tùng ở thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) với hàng chục trận đánh đã diễn ra, nhưng giặc Ngô vẫn không đánh bại được nghĩa quân. Cuối cùng, quân Ngô đã dùng mưu kế thâm hiểm để đối phó nghĩa quân, để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết hy sinh trên đỉnh núi Tùng. Sau khi mất, tương truyền bà đã hiển thánh để phù dân, giúp nước.

Tương truyền, thế kỷ VI vào thời Tiền Lý Nam Đế (544 - 548), Bà Triệu hiển thánh âm, phù vua xuất chinh thắng giặc ở phương Nam. Để tạ ơn, triều đình đã ban sắc phong Thần, cấp tiền cho nhân dân xây dựng, tôn tạo đền thiêng - chăm lo việc thờ cúng. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bà Triệu là người phụ nữ đầu tiên được triều đình phong kiến phong Thần. Sau thời Tiền Lý, các triều đại phong kiến về sau phong sắc thần linh và Bà Triệu trở thành Phúc thần của làng Phú Điền.

Hình ảnh người nữ tướng khi ra trận mặc giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng ra trận và câu nói khí phách “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta” trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta. Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng đây là mốc son đỉnh cao khẳng định sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân ta ở thế kỷ II - III, thúc đẩy ý chí quật cường cho nhân dân ta với quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.

Hiện nay, ngoài Khu di tích Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 2 khu di tích chính liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Bà Triệu là vùng núi Quan Yên, nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, quê hương của Bà Triệu; Di tích lịch sử Quốc gia Đền Nưa - Am Tiên, thuộc huyện Triệu Sơn – từng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trước khi tiến ra Bồ Điền, Hậu Lộc.

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 (tổ chức vào 22/2 âm lịch) góp phần quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích quốc gia đặc biệt khu di tích Bà Triệu nói riêng và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa nói chung.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng hai, lại nhớ Bà Triệu oai hùng cưỡi voi xung trận