Tháng 7/2023 dự kiến sẽ là tháng nóng nhất Trái Đất từng trải qua khi khắp thế giới đang phải chống chọi với những đợt nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ không khí toàn cầu đã tăng lên trong tháng này, với ngày 3/7 là ngày nóng nhất hành tinh từ trước đến nay.
Cơ quan thời tiết Mỹ cho biết trong một bản tin hôm thứ Sáu (ngày 21/7): “Nhiệt độ và các chỉ số nhiệt sẽ đạt đến mức gây rủi ro cho sức khỏe và có khả năng gây tử vong cho bất kỳ ai không được đưa vào môi trường mát mẻ và không được cung cấp đủ nước”.
Gavin Schmidt, nhà khí hậu học hàng đầu của Nasa cho biết, đây có thể sẽ là tháng có nhiệt độ cao nhất trong “hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm”.
Nhận xét của ông được đưa ra khi Mỹ vẫn đang tiếp tục chiến đấu với tình trạng thời tiết nắng nóng nguy hiểm. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết một “đợt nắng nóng nguy hiểm, kéo dài và phá kỷ lục” sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Tây Nam vào cuối tuần này, nơi các kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ. Các khu vực ở Trung Nam, Đông Nam và Bờ biển vùng Vịnh cũng được dự báo sẽ phải chịu đựng sức nóng và độ ẩm ngột ngạt. NWS đưa tin, nhiệt độ ban đêm sẽ giúp giảm nhẹ cho những người ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Một đợt nắng nóng ở châu Âu cũng đang gây ra tình trạng ngột ngạt dọc Địa Trung Hải với nhiệt độ lên tới 47 độ C ở Sardinia vào đầu tuần này. Trong khi đó, các đội cứu hỏa ở các khu vực châu Âu đang gấp rút hỗ trợ Hy Lạp khi nước này đang phải chiến đấu với những đám cháy dữ dội.
Các khu vực trên khắp đất nước Trung Quốc cũng tiếp tục đối mặt với cái nóng ngột ngạt.
Ông Schmidt cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có trên toàn thế giới - những đợt nắng nóng mà chúng ta đang chứng kiến ở Mỹ, châu Âu và ở Trung Quốc đang phá vỡ các kỷ lục”.
Một trong những nguyên nhân là El Nino. El Nino hình thành khi gió mậu dịch từ Đông sang Tây suy yếu, gây ra các giai đoạn nước ấm. Cơ quan Quản lý Khí quyển Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, những vùng nước ấm hơn này khiến các khu vực trải qua điều kiện khô và ấm hơn bình thường.
NOAA đã tuyên bố vào tháng trước rằng El Nino đang diễn ra sau khoảng thời gian 3 năm của mô hình thời tiết La Nina lạnh hơn. El Nino cũng có thể gây ra giông bão và gia tăng lũ lụt.
“Những gì chúng ta đang thấy là sự nóng lên tổng thể, gần như ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở các đại dương. Chúng tôi đã chứng kiến nhiệt độ mặt nước biển phá kỷ lục, kể cả bên ngoài vùng nhiệt đới, trong nhiều tháng nay”, ông nói. “Chúng tôi cũng dự đoán điều đó sẽ tiếp tục. Lý do là bởi vì chúng ta đang tiếp tục thải khí nhà kính vào bầu khí quyển”.
Ông Schmidt cho biết có 50% khả năng năm nay sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận, mặc dù ông cho biết, các nhà khoa học khác đã dự đoán khả năng cao tới 80%.