Tháng 01/2015, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 229 vụ cháy, làm chết 11 người, 12 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 93,3 tỷ đồng.
Tháng 01/2015, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 229 vụ cháy, làm chết 11 người, 12 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 93,3 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 98 vụ cháy nhà dân, 71 vụ cháy cơ sở kinh tế tư nhân, 40 vụ cháy cơ sở kinh tế nhà nước và tập thể, 20 vụ cháy phương tiện giao thông và loại hình cơ sở khác.
So với tháng 12/2014, tình hình cháy tiếp tục có diễn biến phức tạp, tăng trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và tài sản), cụ thể: Số vụ cháy tăng 83 vụ (229/146); thiệt hại về người chết tăng 6 người; thiệt hại về tài sản tăng 69,1 tỷ đồng.
Một số vụ cháy điển hình: Vào hồi 04h00’ ngày 29/12/2014, xảy cháy nhà dân tại phường Cát Dài, Quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, vụ cháy làm 06 người chết, toàn bộ tài sản tại tầng 1 bị thiêu hủy hoàn toàn.
Vụ cháy nhà dân tại quận Lê Chân, Hải Phòng
Sau 5 ngày, ngày 04/01/2015, cũng tại Hải Phòng, một nhà dân trên đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, tiếp tục xảy cháy, làm 1 người chết và 1 người bị thương.
Cũng chỉ trong 5 ngày, tại Quảng Bình và Cà Mau đã xảy ra 2 vụ cháy chợ Ba Đồn tại thị xã Ba Đồn ngày 02/01/2015; vụ cháy chợ thị trấn Thới Bình ngày 06/01/2015, hai vụ cháy này đã thiêu rụi khối lượng tài sản ước tính hàng chục tỷ đồng của các hộ tiểu thương.
Hiện trường cháy chợ Ba Đồn, Quảng Bình
Đánh giá về nguyên nhân và tình hình cháy, nổ trong tháng 1/2015 cho thấy các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người vẫn tập trung chủ yếu tại các hộ gia đình vừa là nhà ở, vừa là nơi sản xuất, buôn bán.
Loại hình cơ sở này còn rất nhiều tồn tại, bất cập về công tác PCCC như: Người dân còn thiếu kiến thức về an toàn PCCC, đặc biệt là kỹ năng xử lý và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; hệ thống điện không được quan tâm sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao vào dịp cuối năm; lối thoát nạn chính không đảm bảo theo yêu cầu do bị lấn chiếm làm nơi sản xuất, tập kết hàng, không có lối thoát nạn dự phòng; sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt thắp hương, đốt vàng mã không an toàn...
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra cháy, nổ đối với các hộ gia đình, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần lưu ý một số khuyến cáo về PCCC như sau:
- Tìm hiểu, học tập để có kiến thức phổ thông về an toàn PCCC, có kỹ năng xử lý và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra;
- Tuyệt đối không buôn bán, tàng trữ trái phép chất cháy, chất nổ;
- Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt và chất dễ cháy, nhất là trong quá trình sản xuất, sửa chữa, đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…, sử dụng an toàn hệ thống điện và thiết bị điện, tránh gây quá tải, tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà;
- Sắp xếp vật tư, hàng hóa ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị điện;
- Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, chất chữa cháy để dập cháy, đặc biệt là phải có phương án thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.