Các chuyên gia pháp lý cho biết, việc thu thập trái phép thông tin, đời tư hình ảnh của người khác đưa lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ, hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuỳ tiện sử dụng hình ảnh cá nhân người khác trên các nền tảng mạng
Có thể thấy hiện nay, việc tùy tiện chia sẻ các hình ảnh của người khác lên mạng xã hội, lan truyền các thông tin đời tư cá nhân thiếu kiểm chứng trên các nền tảng mạng ngày càng trở nên phổ biến gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín của cá nhân. Mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp, tuy nhiên tình trạng này đang có xu hướng gia tăng, đáng báo động.
Mới đây nhất, sau vụ việc người đàn ông rơi từ tầng 11 chung cư Tiến Bộ (phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên ) xuống đất tử vong, trên mạng xã hội xuất hiện loạt hình ảnh của nhân vật có liên quan, kèm theo đó là những thông tin về đời tư trở thành đề tài bàn tán, bình luận của cộng đồng mạng xã hội.
Thậm chí, một số trang mạng vì muốn “câu like” còn đăng tải, chia sẻ thông tin ác ý liên quan đến “kết quả giám định AND” nhằm chứng minh huyết thống của đứa trẻ và những người liên quan. Đáng nói, đây là các thông tin chưa được kiểm chứng, chưa có kết luận từ cơ quan chức năng.
Được biết, liên quan đến thông tin trên, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi các sở, ban ngành đoàn thể thuộc tỉnh yêu cầu không thực hiện việc đăng tải, chia sẻ hình ảnh, diễn biến vụ việc trên các tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân khi chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân, việc sử dụng thông tin của người khác nhằm xúc phạm nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người của người có hình ảnh khiến người đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý sức khỏe, hoặc đăng tải sai mục đích đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Một vụ việc tương tự xảy ra tại chung cư Hà Nội vào ngày 1/4/2022 khi xuất hiện một clip nam sinh 16 tuổi, học sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam) nhảy lầu tử vong cũng được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội kèm theo thư tuyệt mệnh khiến nhiều người xót xa. Hàng loạt các ý kiến bình luận, trong đó có cả những phê phán, trách móc gây ra nỗi ám ảnh cho người còn sống đến mức, người thân của nam sinh đã phải lên mạng kêu gọi mọi người không chia sẻ hình ảnh và clip liên quan.
Sau đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử ( Cục PTTH và TTĐT) Bộ TT&TT, đã phải ra văn bản yêu cầu đến các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử dừng đăng tải, đồng thời rà soát và gỡ video, thư tuyệt mệnh liên quan đến việc học sinh lớp 10 tự tử.
Theo Cục PTTH và TTĐT, đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư, quyền trẻ em và thiếu tính nhân văn. Đồng thời, phối hợp rà soát, xử lý những cá nhân, tổ chức phát tán, lan truyền thông tin về hình ảnh cá nhân, bức thư của nam sinh Hà Nội.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả
Luật sư Nguyễn Thị Huế (Công ty Luật TNHH XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định, việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh là xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh và được pháp luật bảo vệ tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính hoặc với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân, người có hình ảnh bị xâm phậm có thể làm đơn tố giác người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân lên cơ quan Công an nơi người đó cư trú.
Theo luật sư Huế, điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào thực hiện hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ Tội làm nhục người khác, trong đó, “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Còn tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh: Điều 38 Bộ luật dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Bởi vậy, việc tự ý đăng ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó hoặc đăng ảnh có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của ngươi khác là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Pháp luật quy định mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội, tuy nhiên bày tỏ quan điểm thái độ của mình về một vấn đề, một con người phải trong chừng mực pháp luật quy định, không được phép lợi dụng những sai lầm của người khác để nhục mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ. Đặc biệt, khi vụ việc chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, cần thận trọng khi sử dụng hình ảnh, hoặc đưa thông tin lên mạng, tỉnh táo và không share những hình ảnh, thông tin chưa được kiểm chứng để tránh bị xử phạt” luật sư Cường chia sẻ.