Mossack Fonseca, công ty luật lớn thứ 3 thế giới, hiện đang là tâm điểm của vụ bê bối “Hồ sơ Panama” – lớn nhất trong lịch sử. Vậy 2 nhà sáng lập ra công ty này là ai lại có thể làm được điều “phi thường” đến thế?
Mossack Fonseca được thành lập cách đây 30 năm bởi Jurgen Mossack, một người Đức và Ramon Fonseca Mora, một người Panama.
Ông Jurgen Mossack (trái) và ông Ramon Fonseca Mora (phải)
Ông Jurgen Mossack sinh năm 1949, tại Furth, Bavaria. Ông cùng gia đình chuyển tới Panama và lớn lên ở đó. Cho tới năm 1970, gia đình ông quay lại Đức.
Theo tờ Handelsblatt của Đức, Jurgen Mossack là con của ông Erhard Mossack – một người từng phục vụ trong lực lượng SS của Hitler trong Thế chiến thứ hai. Thời gian đó, ông Erhard tham gia đơn vị chiến đấu “Totenkopf” với biểu tượng là chiếc đầu lâu tử thần màu đen.
Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) dẫn tài liệu của quân đội Mỹ cho biết, “các hồ sơ tình báo cũ” cho thấy Erhard Mossack còn từng đề nghị được làm gián điệp tại Cuba cho CIA khi còn sinh sống ở Panama. Nhiệm vụ là theo dõi “những nhân vật Đức Quốc xã chuyển sang phe Cộng sản, hay những kẻ vẫn trung thành với Quốc xã và đóng giả làm người Cộng sản” cũng như hoạt động cộng sản tại Cuba sau chiến tranh.
Jurgen Mossack từng học luật tại Đại học Santa Maria La Antigua, tốt nghiệp năm 1973. Ông cũng từng học luật ở London.
Người còn lại là Ramos Fonseca, sinh năm 1952, từng học luật và khoa học chính trị ở Đại học Panama, sau đó tới học trường Kinh tế và Khoa học chính trị ở London.
Trước khi mở công ty luật riêng, ông Ramos Fonseca làm việc tại trụ sở của Liên hợp quốc ở Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, ông tham gia hoạt động chính trị với vai trò lãnh đạo đảng Panamenista. Ngoài hoạt động chính trị, ông còn là một tiểu thuyết gia từng đoạt giải. Ông đã viết bốn cuốn tiểu thuyết, cùng nhiều vở kịch và truyện ngắn, và hai lần đoạt giải thưởng Ricardo Miró, giải thưởng văn học quốc gia của Panama.
Sau vụ bê bối về “Hồ sơ Panama”, ông đã xin nghỉ hoạt động chính trị của mình, theo ICIJ.
Mossack Fonseca những điều chưa biết
Trước khi sáp nhập với công ty của Mossack năm 1983, ông Fonseca điều hành một công ty luật nhỏ thành lập năm 1977.
Công ty luật Mossack Fonseca sau đó hoạt động rất hiệu quả với hơn 500 nhân viên có kinh nghiệm ở khắp các châu lục, về “mọi lĩnh vực luật pháp” bao gồm vận chuyển hàng hóa, nhập cư, hợp đồng, tài sản trí tuệ và luật kinh doanh nói chung.
Ban đầu, Mossack Fonseca tiến hành kinh doanh ở hải ngoại bằng cách mở các văn phòng ở Quần đảo British Islands. Mossack Fonseca còn có chi nhánh ở Thái Bình Dương, trên một quốc đảo nhỏ có tên Niue.
Khi Quần đào British Islands bị buộc phải xiết chặt các phương thức cho phép sở hữu công ty nặc danh, Mossack Fonseca đã chuyển công việc kinh doanh về Panama và hòn đảo Anguilla ở biển Caribbean.
Hồ sơ Panama đã phơi bày 11.5 triệu tài liệu chứa thông tin về tài sản hải ngoại của những ông trùm ma túy, thành viên giới Mafia, chính trị gia thoái hóa biến chất và những kẻ trốn thuế, từ ngày công ty luật Mossack Fonseca được thành lập. Hồ sơ này cũng đã tiết lộ những thủ thuật được cho là đã được Mossack Fonseca áp dụng để giúp khách hàng trốn thuế và rửa tiền.
Sau khi Hồ sơ Panama được công bố, Mossack Fonseca đã lên tiếng phủ nhận và cho rằng, "Hồ sơ Panama" là “một tội ác” và là “một sự công kích” vào Panama.
Có thông tin rằng, công ty này đã bỏ ra nhiều tiền để cố xóa bỏ những thông tin liên quan tới Mossack Fonseca.
6 câu hỏi liên quan tới Hồ sơ Panama