Thẩm phán Trương Thị Hồng, Chánh án TAND huyện Hướng Hóa, Quảng Trị: Một đời tâm huyết với sự nghiệp Tòa án

Quốc Tuấn - Hồng Nguyên| 12/09/2014 14:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên cương vị Chánh án cấp huyện, đồng thời là Bí thư Chi bộ, Thẩm phán Trương Thị Hồng luôn phát huy tốt sức mạnh tập thể, xây dựng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đơn vị nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

Chánh án Trương Thị Hồng (SN 1959) tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1975 khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, người dân Quảng Trị bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh. Ở vào tuổi mười tám, đôi mươi bà tham gia lực lượng du kích của huyện Triệu Phong lên rà phá bom mìn ở huyện Hướng Hóa rồi bà đã xác định lập nghiệp ở đây và xem Hướng Hóa là quê hương thứ hai của mình.

Vào thời điểm bà đặt chân lên đây, bốn hướng đều là “rừng thiêng nước độc”, âm u với những ngọn đồi bạt ngàn cây lá bao phủ. Năm 1978, bà tình nguyện đi bộ đội được biên chế về Ban chỉ huy quân sự huyện Hướng Hóa. Năm 1981 “cái duyên” với nghề tòa án đã đến với bà khi bà nhận quyết định về làm việc tại TAND huyện Hướng Hóa, từ đó bà luôn tâm huyết với nghề mà bà cho rằng rất cao cả. Bà luôn ý thức rằng mỗi quyết định của mình trong công việc đều có ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của một con người. Buổi đầu về nhận công tác tại Tòa án, bà bắt đầu từ công việc của một thư ký.

Với sự đam mê nghề nghiệp, vốn là con người sáng dạ và cần mẫn, bà vừa làm vừa không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ. Năm 1992, bà được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND huyện Hướng Hóa, năm 2008, bà được bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND huyện Hướng Hóa cho tới nay.

Thẩm phán Trương Thị Hồng, Chánh án TAND huyện Hướng Hóa, Quảng Trị: Một đời tâm huyết với sự nghiệp Tòa án

Chánh án TAND huyện Hướng Hóa Trương Thị Hồng

Khi hỏi bà từ lúc vào ngành cho đến nay, bà có những kỷ niệm, khó khăn gì và bà đã vượt qua như thế nào? Bà nhìn xa xăm qua ô cửa sổ rồi trả lời, giọng hơi nghẹn ngào: Quả thật là gian truân lắm!. Rồi bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nghề của mình trong dòng ký ức chôn chặt trong lòng bấy lâu nay. Ngày trước trụ sở Tòa án chỉ làm bằng tre nứa tạm bợ. Mưa trên nắng dưới, mùa nào cũng khổ, mùa mưa thì dột ướt, mùa hè thì nắng chói. Năm 1985, đơn vị chuyển trụ sở làm việc đến địa điểm mới và cũng chỉ là căn nhà cấp bốn xung quanh được che bằng ván. Đến năm 2008, trụ sở mới được xây dựng như bây giờ. Thời gian đầu anh chị em trong Tòa án phải làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn cơ sở vật chất và rất vất vả. Nhiều lần đi hòa giải ở cơ sở, phải đi bộ cả đi và về gần 30 km, khi đi trời chưa sáng đến khi về là đã chập choạng tối, tối ngủ thì lo sợ thú rừng, điều kiện sinh hoạt của anh em Tòa án gian khổ là vậy nhưng sống rất hòa đồng và rất tình cảm.

Kể đến đây, giọng bà chùng lại vì xúc động. Những ngày tháng vất vả của quá khứ là những kỉ niệm không thể nào quên mà đến hôm nay bà mới có dịp kể ra. Bà luôn tự hào chính tình yêu nghề nghiệp đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn.

Hướng Hóa là huyện vùng cao - biên giới của tỉnh Quảng Trị, có 2/3 dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Nhiều phong tục tập quán địa phương còn nặng nề, nên việc giải quyết những vụ án hôn nhân và gia đình cần phải làm sao vừa đúng pháp luật nhưng đồng thời không ảnh hưởng đến phong tục tập quán. Bà luôn trăn trở đi sâu tìm hiểu nhiều phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư, để động viên, hướng dẫn cán bộ trong đơn vị biết vận dụng hài hòa giữa pháp luật với phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc để làm tròn trách nhiệm được nhà nước phân công là “cán cân công lý” nhưng đồng thời phải là người “ tuyên truyền viên tích cực”  nâng cao nhận thức về pháp luật cho bà con.

Để làm được điều đó, bà cùng với anh em trong Tòa án đã tăng cường mở các phiên tòa xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân nơi đây. Vì đơn vị khó khăn về phương tiện đi lại, địa bàn rừng núi hiểm trở và lầy lội nên mỗi lần đi xét xử lưu động rất vất vả. Bà chia sẻ: vì không có phương tiện chở vành móng ngựa theo vào tận các thôn, bản, bà đã nghĩ ra một sáng kiến là trước khi đi xét xử lưu động, anh em Tòa án phải vào trước một ngày đi chặt tre làm vành móng ngựa tạm để xử án. Cũng chính từ những phiên tòa như vậy đã thu hút được sự chú ý người dân và được chính quyền rất hoan ngênh.

Trên cương vị Chánh án cấp huyện, đồng thời là Bí thư Chi bộ, bà luôn phát huy tốt sức mạnh tập thể, xây dựng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Trị công nhận là đơn vị nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, Chi bộ nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

Bản thân bà được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, TANDTC tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tòa án; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp xây dựng công đoàn,Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ  tặng kỷ niệm chương vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn lao động huyện Hướng Hóa tặng danh hiệu “Gia đình nữ công nhân viên chức lao động tiêu biểu xuất sắc” và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Đó là sự ghi nhận và những phần thưởng xứng đáng cho những gì mà bà đã cống hiến cho sự nghiệp Tòa án.

Ngoài công việc chuyên môn bà còn là người luôn được anh em đồng nghiệp bạn bè yêu mến gọi là người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Bà tâm sự: chồng tôi là một quân nhân, trước đây tôi đã từng ở trong quân đội nên rất hiểu và thông cảm cho anh ấy, gắng lo tròn việc tập thể cũng như việc nhà để chồng yên tâm công tác, đó là điều hạnh phúc nhất của người phụ nữ.

Sau một hồi tâm sự, được nghe và biết nhiều chuyện buồn, vui trong nghề và cả đời tư của bà, tôi thấy bà bất chợt im lặng. Có lẽ đó là phút lắng đọng cho cả cuộc đời cống hiến của vị nữ chánh án này. Được biết thời gian tới đây bà về nghỉ hưu, thế nhưng trước khi về với đời thường bà Trương Thị Hồng, Chánh án TAND huyện Hướng Hóa vẫn để lại tình cảm của mình với cái nghề mà bà tâm huyết, đó là định hướng cho hai cậu con trai đều theo nghề của mẹ. Hiện nay hai anh con trai của bà đang công tác tại TAND tỉnh Quảng Trị và TAND TP Đông Hà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Trương Thị Hồng, Chánh án TAND huyện Hướng Hóa, Quảng Trị: Một đời tâm huyết với sự nghiệp Tòa án