Ngày 9/12, nhân Ngày Thế giới phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã có buổi tọa đàm “Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển”.
Buổi tọa đàm cũng đưa ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung khảo sát ý kiến người dân và 1/4 ý kiến đã khảo sát khẳng định: Tham nhũng là một trong năm vấn đề nghiêm trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đánh giá, tham nhũng cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; làm gia tăng sự đói nghèo; làm suy yếu các hệ thống y tế, giáo dục; phá hoại nền dân chủ; làm trầm trọng thêm sự bất công và bất bình đẳng. Đấu tranh chống tham nhũng là mối quan tâm toàn cầu bởi tham nhũng xảy ra ở cả những quốc gia giàu có lẫn nghèo khổ, nhưng người nghèo là nhóm người phải chịu sự tổn thương lớn nhất. Trong những năm qua, với sự chung tay của cả khu vực công, khu vực tư, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và người dân, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tham nhũng, khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. Và, kết quả đạt được của những nỗ lực đó là rất đáng ghi nhận.
Diễn giả trình bày tham luận tại cuộc tọa đàm
Theo ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam: Tham nhũng ảnh hưởng đến cả người giàu và người nghèo, trong đó người nghèo chịu tác động nhiều nhất vì tham nhũng làm tăng sự bất bình đẳng về các dịch vụ công (y tế, giáo dục), suy giảm sự tăng trưởng kinh tế và sự bất ổn định của xã hội. Tham nhũng cũng làm tăng tội phạm có tổ chức nên phải “phá bỏ các chuỗi tham nhũng”, thu hồi tài sản tham nhũng, khuyến khích sự tham gia của xã hội vào PCTN, cần sự tham gia của mọi người trong xã hội, cần sự phối hợp giữa khu vực công và tư để PCTN; giữa Chính phủ và người dân về PCTN. Quan trọng là cần chống tham nhũng và hối lộ ở mọi hình thức khác nhau cho sự phát triển bền vững, ¼ người dân đã khẳng định tham nhũng là một trong năm vấn đề nghiêm trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Giới thiệu những kinh nghiệm tốt trên thế giới về bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng, bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc quốc gia cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho biết: Nhiều nước đã đưa ra những quy định trách nhiệm của các quan chức cơ quan Chính phủ trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng, khuyến khích phát huy vai trò của giới truyền thông để ngày càng công khai, mạnh mẽ hơn việc thông tin tố cáo tham những, có cơ chế, cam kết bảo vệ người tố cáo, quy trình hợp lý đối với cả bên bảo vệ và bên được bảo vệ; bảo vệ khỏi mọi hình thức kỳ thị, trả đũa, quyền của người tố cáo trong hoạt động, nâng cao vai trò cộng đồng về giám sát và tố cáo tham nhũng, công khai quyền tố cáo, tố giác của người lao động tại doanh nghiệp.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thời gian qua, nhận thức của người dân về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tham nhũng đã tăng lên đáng kể; người dân đã tích cực hơn, chủ động hơn trong tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp, sáng kiến tăng cường minh bạch, liêm chính, chủ động hơn trong phát hiện và tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đã minh bạch hơn, tính trách nhiệm giải trình cao hơn, đảm bảo cơ chế đối thoại cởi mở và thường xuyên hơn với người dân, nhiều vụ việc sai phạm đã được xử lý nghiêm nhờ sự tham gia tích cực của người dân, báo chí.
Ông Tranh cũng khẳng định, thời gian tới sẽ kiên quyết đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ chế giám sát, phản biện, tham gia vào hoạch định chính sách của người dân; tổ chức các kênh để người dân, các thành phần, khu vực trong xã hội có thể tham gia đóng góp ý tưởng, sáng kiến thiết thực về PCTN; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân; tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo và khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.
Đồng thời, đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không có “vùng cấm” trong PCTN để củng cố lòng tin của người dân đối với quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong PCTN, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác PCTN.