Xã hội

Thầm lặng gieo mầm cho sự sống hồi sinh:Bài 1 - Nơi tận cùng nỗi khổ

Gia Ân - Thanh Thủy 25/09/2023 - 09:41

Con đường dẫn vào làng phong Quỳnh Lập sâu hun hút và quanh co theo những sườn đồi, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập cơ sở 1 (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) nằm biệt lập giữa những vạt đồi bạt ngàn cây lá và thưa thớt dân cư. Sự tĩnh mịch của đồi núi như bao bọc lấy những phận đời trầm buồn bị căn bệnh phong hành hạ, từng bị người đời xa lánh, hắt hủi.

Kí ức đau thương

Tại Khoa điều trị phong Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập có một khu nội trú dành cho bệnh nhân. Điều đặc biệt của khoa này là phần lớn bệnh nhân đều chọn ở hẳn trong bệnh viện để tiện bề chữa trị và không muốn gia đình, người thân bị ảnh hưởng vì căn bệnh của mình. Nhiều năm nay, một số bệnh nhân xem nơi đây là nhà, các bác sĩ, nhân viên của Khoa là người thân. Có bệnh nhân đã sống tại bệnh viện 67 năm, kể từ khi bệnh viện mới thành lập, lúc ấy có tên gọi là Trại phong Quỳnh Lập.

benh_nhan_trai_phong_quynh_lap_nghe_an_2.jpg
Nhà ở của bệnh nhân phong năm 1957 (Ảnh tư liệu)

Chúng tôi ghé thăm khu điều trị bệnh nhân phong vào một sáng cuối tuần, nắng vừa lên, vài cụ già tranh thủ mang quần áo ra sân phơi. Họ - những con người từng bị người đời lãng quên, đã lặng lẽ dắt díu nhau về nương tựa nơi đây từ mấy chục năm nay.

Ngày đầu thành lập (năm 1957), Bệnh viện được đặt tên là Trại phong Quỳnh Lập, đến năm 1965 đổi tên thành Khu điều trị phong Quỳnh Lập. Với nhiệm vụ là điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh phong thuộc các tỉnh phía Bắc, bộ đội toàn quân, công nhân viên chức cả nước, làm nghĩa vụ quốc tế cho người bệnh phong các nước bạn Lào, Cam pu chia, các tỉnh giáp biên của Trung Quốc.

benh_nhan_trai_phong_quynh_lap_nghe_an_1.jpg
Lễ đón những bệnh nhân phong đầu tiên tại Trại phong Quỳnh Lập vào tháng 4/1957 (Ảnh tư liệu)

Từ năm 1957 đến năm 1964, các dãy nhà cấp bốn được sửa sang tương đối khang trang, cơ sở vật chất được đầu tư, bệnh nhân vào viện được nhân viên y tế chăm sóc chu đáo, nhiệt tình. Có thể nói bệnh nhân như từ cõi chết được trở về.

Nhưng thời kỳ chiến tranh ác liệt từ năm 1965 đến năm 1974, toàn bộ cơ sở vật chất mới được xây dựng bị sập đổ hoàn toàn sau một trận bom. Trên 200 bệnh nhân phong bị chết, số còn lại phải sống cảnh màn trời, chiếu đất. Sau đó, phải hai lần đưa bệnh nhân đi sơ tán tại nơi rừng sâu, nước độc. Cán bộ thầy thuốc, bệnh nhân cùng ăn, cùng ở, cùng làm dưới làn mưa bom, bão đạn.

benh_nhan_trai_phong_quynh_lap_nghe_an_3.jpg
Những đôi mắt đượm buồn chất chứa sự mặc cảm cho số phận...

Ngồi trên giường bệnh, cụ Lê Trọng Diêu (1934, quê quán xã Triệu Long, Triệu Hải, Bình Trị Thiên, nay là Quảng Trị) trầm ngâm nhớ lại: Những năm tháng dài đằng đẵng trong cuộc đời, cụ đã gắn bó với mảnh đất này, chứng kiến biết bao buồn vui. Cụ không có gia đình, không có con cái, chỉ lầm lũi một mình. Mất đi đôi bàn chân, vết thương thể xác còn không thấm vào đâu so với những vết thương trong lòng. Ở một thế giới của những người bệnh “phong hủi”, mối liên hệ với thế giới bên ngoài dường như bị cô lập.

Không có người thân, không họ hàng, không bạn bè. Mỗi người thu mình lại trong một thế giới riêng u ám. Sự kỳ thị có giảm bớt trong hai thập kỷ qua, nhưng cũng chỉ tạo ra những chuyến viếng thăm thỉnh thoảng từ các đoàn tình nguyện rồi vội vã rời đi. Khái niệm ngày và đêm đối với cụ cũng như bao người bệnh khác gần như rất khó rạch ròi, bởi họ chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường, cắn răng chịu đựng những cơn đau hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác.

benh_nhan_trai_phong_quynh_lap_nghe_an_4.jpg
Cụ Lê Trọng Diêu đã gắn bó cả cuộc đời dài đằng đẵng của mình ở Trại phong Quỳnh Lập

Còn đối với cụ Phạm Văn Vọng (1938, quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), quá khứ như một thước phim dài chậm buồn với những lát cắt đầy chua xót. Hơn 90 tuổi, cụ Vọng là một trong những bệnh nhân đầu tiên của Trại phong Quỳnh Lập. Năm 1957, cụ là lính thông tin, được kết nạp Đảng khi còn rất trẻ. Cả một tương lai đang rộng mở phía trước, thế nhưng khi đang cùng đơn vị chiến đấu tại quê nhà, cụ phát hiện bị bệnh phong và được đưa vào Trại phong Quỳnh Lập.

Nhớ lại những ngày đó, ánh mắt cụ còn ngân ngấn nước, cụ chia sẻ: “Xe chở đến cái đèo cao, nhìn xung quanh chỉ thấy lau lách, cỏ dại hoang vu, nhìn xuống phía dưới là thấy biển, tôi cứ tưởng người ta mang mình để đổ xuống biển, không còn cái tư tưởng gì cả. Bước đầu vào đây tôi chỉ có khóc, cơm không ăn. Lúc đó, cơm được đựng trong cái rổ tre, bên cạnh là vài con cá trích, vài cọng rau muống. Dãy nhà ở thì lụp xụp nằm dưới gốc cây…”.

Có những lúc, cuộc sống nơi đây từng đáng sợ hơn cái chết

Ký ức của nhiều “cư dân” Trại phong Quỳnh Lập như dừng lại ở đó. Quá nửa thế kỷ, họ sống trong một thế giới của những “người hủi”, biệt lập với thế giới bên ngoài. Sự sợ hãi vẫn ngăn cản những người không mang bệnh bước qua cánh cổng “trại phong”, và người bệnh bên trong cũng không dám bước ra ngoài. Cuộc sống nơi đây từng đáng sợ hơn cái chết. Đó chính là sự mặc cảm, sự lạnh lùng, miệt thị, sự bất bình đẳng trong đối xử, sự xa lánh của gia đình và cộng đồng. Họ đã bị bệnh tật hành hạ đau đớn, nhưng đau đớn hơn là sự quay lưng của người đời, là mặc cảm vây hãm.

benh_nhan_trai_phong_quynh_lap_nghe_an_5.jpg
Cụ Phạm Văn Vọng đang được hộ lý thăm hỏi, động viên tinh thần

Thời kì đất nước bao cấp rồi chuyển sang hạch toán kinh doanh, điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, kinh phí Nhà nước có hạn, thiên tai, bão lụt triền miên liên tục đe dọa. Đời sống của bệnh nhân phong vô cùng cực khổ, thiếu thốn. Với mức trợ cấp ít ỏi, họ chỉ ăn hai bữa/ ngày, gồm một bữa vào lúc 10 giờ sáng, một bữa vào lúc 3 giờ chiều, rồi ngủ sớm để chờ đến ngày hôm sau. Những cơn đói hay đến vào ban đêm.

Mì gói, thứ tài sản được các đoàn từ thiện đem đến, chỉ mới xuất hiện những năm sau này. Họ sẽ tự nấu mì ăn ban đêm nếu đói quá. Đấy là khi có mì, còn không, trong giá lạnh của mùa đông hay những đêm hè nóng nực, họ tự gặm nhấm ký ức để vượt qua cơn đói. Mỗi năm, các bệnh nhân có chế độ một bộ quần áo; chăn màn bốn năm được thay một lần. Khi họ chết đi, Nhà nước sẽ cho tiền mua quan tài và chi phí mai táng, còn lại các thành viên trại tự lo liệu.

benh_nhan_trai_phong_quynh_lap_nghe_an_6.jpg
Trụ sở mới với nhiều trang thiết bị tiện nghi hơn đang giúp những bệnh nhân nơi đây ngày càng có thêm nhiều hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn

Cực khổ là thế, đau đớn là thế, nhưng le lói phía sau màn đêm cuộc đời ấy, bằng nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào tương lai phía trước, những bệnh nhân phong chưa bao giờ ngừng hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Và tia sáng của niềm hi vọng ấy đã được thắp lên, bởi họ đã được những y bác sĩ nơi đây dang rộng vòng tay để sẻ chia, yêu thương và che chở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng gieo mầm cho sự sống hồi sinh: Bài 1 - Nơi tận cùng nỗi khổ