Thái Nguyên: Triển khai 7 nhóm giải pháp nhằm đẩy lùi tai nạn giao thông giai đoạn 2021 – 2025

Anh Đức| 12/07/2021 14:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của chính quyền các cấp, Ban An toàn giao thông tỉnh, lực lượng chức năng trong quyết tâm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Với mục tiêu đặt ra hằng năm là tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí từ 5% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”.

Đề án tập trung vào 7 nhóm giải pháp cơ bản để nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, tiến tới xây dựng xã hội giao thông văn minh, hiện đại và an toàn. Các nhóm giải pháp cụ thể của Đề án bao gồm:

Nhóm giải pháp về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành: Tập trung vào  nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể CT-XH tham gia thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thường xuyên chỉ đạo kiện toàn Ban An toàn giao thông các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ  4.0 vào công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông.

anh-bai-so-6.jpg
Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại, an toàn

Nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông. Áp dụng hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Xây dựng và duy trì các mô hình tự quản, các câu lạc bộ, tổ, đội xung kích về an toàn giao thông. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền,  giáo dục an toàn giao thông, phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Nhóm Giải pháp về kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông: Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đầu tư xây dựng các bến xe, điểm đỗ xe tĩnh; thực hiện thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông; tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.  Kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; bổ sung đầy đủ hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông và các công trình bảo đảm an toàn giao thông; xây dựng hệ thống cầu vượt nhẹ tại các vị trí nút giao thường xảy ra ùn tắc giao thông; quan tâm công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Kiên quyết lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và chống tái lấn chiếm; cải tạo điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông xung quanh khu vực cổng trường học.

Nhóm giải pháp về vận tải và người điều khiển phương tiện: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải; tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng; khuyến khích đầu tư, cải tạo phương tiện phục vụ người khuyết tật. Triển khai ứng dụng hệ thống giám sát hành trình phương tiện và hệ thống quản lý, điều hành của các doanh nghiệp vận tải. Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký biển hiệu, phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; ứng dụng, khai thác và vận hành hiệu quả các thiết bị công nghệ phần mềm trong quản lý cấp, đổi giấy phép lái xe.

Nhóm giải pháp về công tác cưỡng chế thi hành luật: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các lực lượng khác trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và cưỡng chế thi hành pháp luật. Nâng cao ý thức đạo đức công vụ và ứng xử văn hóa trong thực thi nhiệm vụ. Tiếp tục hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác của các lực lượng thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại và hoàn thiện hệ thống xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có kết nối xử lý vi phạm di động, xử lý vi phạm qua hình ảnh và tích hợp với hệ thống quản lý giấy phép lái xe, quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện.

Nhóm giải pháp về cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu tai nạn giao thông: Khảo sát, xây dựng mạng lưới các trạm, điểm, chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông trên cơ sở các trạm y tế, trung tâm y tế và thành lập các đội, nhóm sơ cấp cứu tai nạn giao thông. Tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho Cảnh sát  giao thông, Thanh tra giao thông, tuần đường, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ , các tình nguyện viên và người dân sống dọc các tuyến đường. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp: Tăng cường sự phối hợp giữa Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Cùng với các nhóm giải pháp cụ thể, Đề án cũng xác định các nguồn lực để triển khai thực hiện. Nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh, phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, giám sát giao thông Lồng ghép với chương trình chuyển đổi số của tỉnh, hiện nay Sở Giao thông Vận tải cùng với các ngành liên quan, các địa phương đang từng bước thực hiện số hóa công tác quản lý về giấy phép lái xe, quản lý phương tiện, đăng kiểm, các dữ liệu về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, giải quyết các thủ tục hành chính…

Hướng tới sẽ đồng bộ toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về giao thông trên không gian mạng, phục vụ  công tác quản lý, giám sát và điều hành giao thông trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng thời cũng để phục vụ người dân tốt hơn.

Với các giải pháp cụ thể được nêu ra trong Đề án vừa có tính kế thừa từ những kinh nghiệm thực tiễn đã được triển khai trong giai đoạn vừa qua, vừa có bổ sung những nhóm giải pháp phù hợp với giai đoạn phát triển mới bảo đảm tính liên tục, lâu dài, bền vững. Cùng với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn mới sẽ đạt được kết quả như mong muốn, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Triển khai 7 nhóm giải pháp nhằm đẩy lùi tai nạn giao thông giai đoạn 2021 – 2025