Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đã phục hồi và tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 bình quân đạt 6,65%/năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Thu ngân sách luôn nằm trong tốp 18 tỉnh cao nhất cả nước, đạt 20.196 tỷ đồng năm 2023, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Hoạt động xuất nhập khẩu và thị trường nội địa phát triển đồng bộ, với tổng giá trị xuất khẩu hàng năm ở mức từ 26 - 31 tỷ USD, đưa Thái Nguyên vào tốp 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước.
Nông nghiệp của tỉnh cũng phát triển bền vững, ổn định, với nhiều sản phẩm đã khẳng định thương hiệu, tiêu biểu nhất là các sản phẩm từ cây chè. Đến năm 2023, 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn.
Công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số luôn được tỉnh Thái Nguyên chú trọng. Năm 2023, tỉnh tiếp tục duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), thứ 2 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), thứ 6 về Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) và thứ 8 cả nước về chuyển đổi số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đạt 34,1%, đứng thứ 3 cả nước.
Kết cấu hạ tầng của tỉnh được tập trung đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn. Trong đó, hạ tầng giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá, với những dự án trọng điểm như đường liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, đường Vành đai V, đường kết nối ĐT.265... Các dự án này sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với hạ tầng giao thông, để đảm bảo cho thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, tỉnh Thái Nguyên quan tâm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng điện. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc nhằm triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch nhằm đảm bảo kịp thời cung ứng điện đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương lân cận. Trong đó, Dự án Trạm biến áp 220 KV Phú Bình 2 và đường dây 220 KV Phú Bình 2 rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia đang đề xuất triển khai đầu tư một số dự án điện lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục cũng được quan tâm thực hiện, đối ngoại ngày càng được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo giữ vững.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Đây cũng là tiền đề vững chắc để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên con đường hội nhập và phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.