Thái Nguyên: Kết nối giao thông, tạo động lực phát triển

Đồng Văn Đức| 30/12/2022 14:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với xứ mệnh “đi trước mở đường” để phát triển kinh tế xã hội, ngành giao thông tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát triển đúng hướng, tạo nền tảng làm “khâu đột phá” đẩy mạnh thu hút đầu tư. Phóng viên Báo Công lý có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Thái Nguyên về những giải pháp nhằm phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn.

PV: Xin ông cho biết những đổi mới và kết quả tiêu biểu mà ngành GTVT tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm gần đây? Đặc thù địa bàn tỉnh Thái Nguyên có ảnh hưởng thế nào đến phát triển mạng lưới giao thông vận tải trên đại bàn?.

Ông Trần Văn Long: Trong thời gian qua, ngành giao thông vận tải Thái Nguyên tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, với xứ mệnh “đi trước mở đường” để phát triển kinh tế xã hội.

Sau nhiều năm đầu tư theo hướng làm “khâu đột phá” để thu hút đầu tư, ngành Giao thông đã và đang phát triển theo đúng xứ mệnh của mình. Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT tiếp tục được tăng cường; việc phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông, bảo đảm trật tự ATGT được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, hạ tầng Bến xe khách, Bến xe buýt được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Công tác triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh được ngành sát sao trong chỉ đạo triển khai từ khâu thẩm định đến quản lý chất lượng công trình. Công tác xúc tiến đầu tư về lĩnh vực ngành quản lý bước đầu được quan tâm, tạo cơ hội thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu thực hiện đầu tư.

Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ “xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội” những năm qua hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải đã được Thái Nguyên quan tâm, kêu gọi đầu tư và đầu tư hoàn chỉnh.

ha-tang-giao-thong-thai-nguyen-giup-tang-kha-nang-lien-ket-ket-noi-vung-de-thu-hut-dau-tu..jpg
Hạ tầng giao thông Thái Nguyên giúp tăng khả năng liên kết, kết nối vùng để thu hút đầu tư.

Hiện nay, bức tranh toàn cảnh về giao thông vận tải Thái Nguyên đã trở lên đồng bộ, từng bước hiện đại và trở thành lợi thế để các Nhà đầu tư tìm đến với Thái Nguyên. Có được kết quả đó, chính là khâu định hướng “đi trước một bước” được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao trọng trách cho ngành giao thông vận tải trong xây dựng hạ tầng giao thông kết nối.

Giao thông Thái Nguyên đã kết nối hoàn chỉnh các tỉnh vùng Việt Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ qua các tuyến giao thông đối ngoại như: Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường Thái Nguyên – Chợ Mới, đường Hồ Chí Minh, các tuyến QL.3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng), QL.37, QL.17 (Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang), QL.1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn), QL.3C (Thái Nguyên – Bắc Kạn).

Với nhiệm vụ mang tính chiến lược là “Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội”

Hiện nay, Thái Nguyên đang chuẩn bị thực hiện đầu tư đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư cho dự án hơn 3.780 tỷ đồng. Giai đoạn 2010 – 2020, Thái Nguyên đã thực hiện đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục dọc của tỉnh, với hướng từ Bắc xuống Nam thông qua các dự án nâng cấp, cải tạo QL.3 cũ; xây dựng QL.3 mới, Đường Hồ Chí Minh (Cao Bằng – Cà Mau).

Trong giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2030, Thái Nguyên sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng trục ngang tỉnh. Trong đó, dự án Đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc với mục tiêu kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc gồm: Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 5 thủ đô Hà Nội, Tuyên Quang - Phú Thọ. Đồng thời, kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc, kết nối sang Khu du lịch ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng khu vực Sườn Đông Tam Đảo.

Với các định hướng đầu tư có trọng điểm và “tầm nhìn” quy hoạch trên, hạ tầng giao thông Thái Nguyên trong thời gian tới sẽ tiếp tục được hoàn thiện giúp tăng khả năng liên kết, kết nối vùng cao nhất. Đây là tiền đề rất quan trọng, sớm được tỉnh Thái Nguyên ưu tiên “đi trước” để tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo của tỉnh, khắc phục triệt để hạn chế hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Đây chính là lợi thế lớn nhất được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm khi lựa chọn Thái Nguyên là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc Việt Nam.

PV: Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông đồng bộ, hiện đại hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngành GTVT đã có những giải pháp gì nhằm phát triển mạng lưới giao thông?.

Ông Trần Văn Long: Chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ GTVT, UBND tỉnh thực hiện đầu tư các dự án giao thông để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đã đề ra; Phối hợp với địa phương trong tỉnh thực hiện squản lý xây dựng theo quy hoạch chuyên ngành GTVT thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 đã được tích hợp trong Quy hoạch chung của tỉnh; Tăng cường bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa định kỳ các tuyến đường huyện, đường xã, đường đô thị, nội thị do địa phương quản lý. Quan tâm và ưu tiên đầu tư cho tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nghiên cứu, kêu gọi đầu tư để hoàn thiện hạ tầng giao thông, giúp tăng khả năng liên kết, kết nối vùng cao nhất. Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ “xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội”.

PV: Ngành GTVT Thái Nguyên thực hiện việc chuyển đổi số như thế nào để mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp?      

Ông Trần Văn Long: Là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, ngành Giao thông vận tải (GTVT) luôn xác định xứ mệnh “đi trước mở đường” không chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành GTVT sớm triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện của ngành, trong đó tập trung các nhiệm vụ thực hiện về chuyển đổi số lĩnh vực giao thông vận tải được xác định trong Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh.

Mục tiêu được toàn ngành đưa ra là tiên phong chuyển đổ số, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược; ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ hoạt động quản lý của ngành để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.

Thừa hưởng các nền tảng số được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đồng bộ trong cả nước, đến nay Toàn bộ quy trình, thủ tục giải quyết các TTHC trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp GPLX tại Sở GTVT đều được thực hiện trên các phần mềm điện tử chuyên ngành để thực hiện các nhiệm vụ về: Quản lý giấy phép lái xe; quản lý đào tạo lái xe; quản lý vận tải, quản lý bến xe, quản lý tuyến vận tải, quản lý xe máy chuyên dùng… Kết quả xử lý đều được gắn mã QR để tra cứu thông tin.

Trong hoạt động vận tải, việc tự động định danh phương tiện giao thông và xác định tốc độ, tự động hóa xử lý thông tin báo cáo đã được Sở triển khai thông qua ứng dụng phần mềm Quản lý và xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Toàn tỉnh đã có trên 5.000 phương tiện giao thông được lắp thiết bị giám sát hành trình. Thông qua hệ thống giám sát thời gian lái xe, tốc độ xe chạy, hệ thống sẽ tổng hợp báo cáo, đề xuất các lỗi vi phạm để phục vụ xử lý các vi phạm khi tham gia giao thông.

Thu phí không dừng ETC, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 01 trạm thu phí hoạt động để phục vụ hoàn vốn dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT. Trạm thu phí đặt tại Km 72+930 và đã thực hiện thu phí tự động từ tháng 7 năm 2021.

Bên cạnh các nền tảng số được triển khai từ các cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn đã tích cực “chung tay thực hiện chuyển đổi số” với ngành GTVT. Công ty CP Vận tải Thái Nguyên xây dựng Bến xe khách trung tâm Thành phố Thái Nguyên từ năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Nhờ tiên phong ứng dụng nhiều chương trình quản lý hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm lao động trực tiếp. Thông qua ứng dụng Phần mềm quản lý bến xe khách, quy trình hoạt động của Bến xe khách trung tâm gần như không cần đến sự can thiệp của con người. Việc quản lý chu trình hoạt động của phương tiện tại Bến được thực hiện tự động từ khai vào cổng, lên “lốt”, bán vé, thanh toán đến khi xe rời Bến.

Bên cạnh đó, hầu khắp các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn đã nghiêm túc thực hiện việc lắp thiết bị giám sát hành trình gắn Sim di động để tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng quản lý hành trình xe, cụ thể: 20 doanh nghiệp vận tải khách với trên 350 xe đã cài đặt thiết bị giám sát hành trình; 7 doanh nghiệp xe buýt với 165 xe đã cài đặt thiết bị giám sát hành trình, 33 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi với trên 2.000 xe cài đặt thiết bị giám sát hành trình.

Với một số kết quả nổi bật đạt được trên của ngành trong lĩnh vực vận tải, đào tạo sát hạch … kể trên đã góp phần từng bước tạo nền tảng trong trong xây dựng Chính quyền số thời gian qua của ngành GTVT Thái Nguyên. Các ứng dụng CNTT đã góp phần làm tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành của ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Kết nối giao thông, tạo động lực phát triển