Thái Nguyên: Cần làm rõ có hay không vi phạm trong kê khai tài sản?

P. Nam| 29/06/2020 09:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận thức được ý nghĩa và vai trò của việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Đảng ta đã sớm quan tâm và có những chủ trương, biện pháp để thực hiện có hiệu quả vấn đề này.

Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, đảng viên. Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định”.

Kê khai tài sản, thu nhập được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Trong thời gian qua, việc kê khai tài sản, thu nhập ở nước ta đang ngày càng được hoàn thiện về hành lang pháp lý, đạt được những kết quả bước đầu trong thực tế triển khai. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn chưa đạt được mục đích và sự kỳ vọng của xã hội.

Hiện nay, việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hình thức, thiếu tính đồng bộ. Những quy định pháp luật về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chưa đạt hiệu quả cao. Có thể chỉ ra những nguyên nhân của thực trạng trên, như: Quy định pháp luật liên quan đến việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nói chung và người có chức vụ, quyền hạn chưa đồng bộ, đầy đủ. 

Đặc biệt, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được phát huy, chưa thực sự được đề cao. Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thực sự gương mẫu trong thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chưa được tiến hành thường xuyên. Một số vụ việc có phát hiện những dấu hiệu không trung thực của người kê khai nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử ký kịp thời, nghiêm minh…

Hàng năm, số người kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không trung thực bị phát hiện không nhiều mặc dù trên thực tế, những biểu hiện vi phạm trong kê khai tài sản không phải là cá biệt. 

Một trường hợp được bạn đọc phản ánh là một ví dụ. Theo đó, mảnh đất tại đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên mang tên vợ ông Đỗ Trọng Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên)- ký và đứng tên nộp tiền vào tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên theo Hợp đồng thỏa thuận góp vốn đầu tư, đăng ký mua nhà đất số 162-09/HĐ-GVĐT ngày 06/01/2010. Tuy nhiên, tài sản này không được thể hiện trong bản kê khai tài sản, thu nhập của ông Nghĩa (trước thời điểm 2018).

Theo phản ánh, việc kê khai tài sản, thu nhập hàng năm của ông Nghĩa từ năm 2010 đến ngày 20/12/2017 chỉ thể hiện nhà đất ở tổ 2, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến năm 2018, khi được sắp xếp quy hoạch làm Cục trưởng và quy hoạch nhân sự Tỉnh ủy viên 2020 -2025 thì ông Nghĩa mới kê khai bổ sung mảnh đất tại đường Bắc Sơn, TP. Thái Nguyên (?).

Bên cạnh đó, theo phản ánh, chỉ trong thời gian ngắn được giao nhiệm vụ điều hành Cục thuế Thái Nguyên (tháng 12/2019), ông Nghĩa đã cho sử dụng xe công đi du xuân ngay trong ngày làm việc đầu năm mới ngày 31/1/2020 (tức mùng 7 Tết). Ông Nghĩa là người trực tiếp chỉ đạo và yêu cầu toàn bộ các trưởng phòng (Cục thuế), các Chi cục Trưởng Chi cục thuế có mặt tập trung tại Văn phòng Cục thuế đúng 7 giờ sáng xuất phát đi trên 2 xe ô tô BKS 20A-001.68, 20A-001.49 (xe 16 chỗ) và một số xe ô tô biển xanh của các Chi cục Thuế đi ATK Định Hóa du xuân.

Bên cạnh đó, bạn đọc còn phản ánh những vấn đề trong công tác cán bộ, vấn đề quản lý thuế ở Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này. 

Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 vẫn giữ nguyên yêu cầu “Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên” như Luật Phòng, chống tham nhũng 2005.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Cần làm rõ có hay không vi phạm trong kê khai tài sản?