Thái Bình: Dược phẩm Mailisa Group phải tạm dừng sản xuất mỹ phẩm

Thái Bình| 26/07/2021 18:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sở Y tế Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Dược phẩm Mailisa Group phải tạm dừng sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm.

Trước đó, Báo Công lý có bài viết “Thái Bình: Dược phẩm Mailisa Group bị “điểm tên” hàng loạt dấu hiệu vi phạm”. Theo đó, ngày 29/06/2021, Sở Y tế Thái Bình tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Dược phẩm Mailisa Group (Công ty Mailisa) xác định nguyên, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

Không những thế, ngày 02/07/2021, Ban quản lý Khu kinh tế và Các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình còn yêu cầu Công ty Khoáng sản Tây Bắc chấm dứt ngay hoạt động liên kết sản xuất các sản phẩm với Công ty Mailisa do không đúng đăng ký mục tiêu dự án tại Khu công nghiệp Phúc Khánh, Thái Bình.

tb-1.jpg
Trụ sở nhà máy mỹ phẩm của Công ty Mailisa đang bị Sở Y tế yêu cầu tạm dừng sản xuất

Ngày 22/7/2021, Sở Y tế Thái Bình đã ban hành văn bản số 1460/SYT-NVD yêu cầu Công ty Mailisa tạm dừng hoạt động sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm từ ngày 23/7/2017 cho đến khi hoạt động liên doanh, liên kết được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đồng thời, Công ty Mailisa phải thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp công ty vẫn tiếp tục sản xuất mỹ phẩm kể từ ngày 23/7/2021.

tb-1.jpg
Văn bản của Sở Y tế Thái Bình yêu cầu Công ty Mailisa tạm dừng sản xuất

Liên quan đến sự việc này, ngày 05/7/2021, tại báo cáo số 1241/SYT-NVD, Sở Y tế Thái Bình còn cho biết, Công ty Mailisa không cung cấp được Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, Sở Y tế ghi nhận hiện Công ty Mailisa đang sản xuất tới 6 sản phẩm không phải là mỹ phẩm bao gồm: Đệ nhất dạ dày, Đệ nhất Gout, Tinh chất đệ nhất khớp, Thảo dược ngâm chân, Mộc sơn trà (phân phối bởi Công ty TNHH Dược phẩm Sơn Cước, có địa chỉ số 32, ngách 5 ngõ 259 phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Tinh dầu tràm Phát Lộc. Những sản phẩm này được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục) của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình (KH&CN) xác nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn.

tb-2(1).jpg
Văn bản xác nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của Sở KH&CN Thái Bình cấp cho Công ty Mailisa

Hiện trên bao bì của những sản phẩm này được in nhiều nội dung quảng cáo về công dụng như “thần dược” có thể chữa nhiều loại bệnh. Điều này khiến dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi, Công ty Mailisa dù không cung cấp được các giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GMP nhưng lại đang sản xuất 6 loại sản phẩm không phải mỹ phẩm rồi quảng cáo có nhiều tác dụng vậy thực chất đây là thuốc hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thái Bình có cấp phép cho sản phẩm của Công ty Mailisa đủ tiêu chuẩn chất lượng để đơn vị này quảng cáo tạo lòng tin với người tiêu dùng ?

tb-3.jpg
Trên bao bì sản phẩm của Công ty Mailisa sản xuất có in tiếp nhận công bố của Sở KH&CN Thái Bình
z2634800199179_486077ce2e4cb2298c3e9f2fcc08235a.jpg
Một số sản phẩm không phải mỹ phẩm đang được sản xuất bởi Công ty Mailisa, phân phối bởi Công ty TNHH Dược phẩm Sơn Cước

Trao đổi về sự việc, lãnh đạo Sở KH&CN Thái Bình khẳng định: Chi cục thuộc Sở không cấp phép về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho Công ty Mailisa. Nếu Công ty Mailisa sử dụng văn bản xác nhận của Chi cục để in trên bao bì sản phẩm bán ra thị trường thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm nêu trên. Đồng thời, văn bản xác nhận của Chi cục chỉ ghi nhận sự cam kết của doanh nghiệp, không có giá trị chứng nhận cho sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Công ty Mailisa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm, hàng hóa do mình cung ứng.

“Việc doanh nghiệp in trên bao bì sản phẩm giấy tiếp nhận công bố do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở KH&CN Thái Bình cấp là có dấu hiệu vi phạm nhãn mác và “lợi dụng” cơ quan chức năng để quảng cáo. Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ sự việc”- lãnh đạo Sở KH&CN Thái Bình cho biết.

tb-4.jpg
Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Dược phẩm Mailisa Group phải tạm dừng sản xuất mỹ phẩm