Mới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã tiến hành thanh, kiểm tra và chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm đối với nhà máy của Công ty TNHH Dược phẩm Mailisa Group tại Khu công nghiệp Phúc Khánh, Thái Bình.
Đề nghị tháo gỡ biển tên
Ngày 20/4/2021, Ban quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp (BQLKKT&CKCN) tỉnh Thái Bình đã lập đoàn kiểm tra giám sát đầu tư tại dự án “Đầu tư xưởng sản xuất Artemisinin từ lá thanh hao hoa vàng” của Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc – chi nhánh Thái Bình (Công ty Tây Bắc) trên mảnh đất hơn 4.730 m2, địa chỉ Lô D, đường Trần Thị Dung, Khu công nghiệp Phúc Khánh, TP Thái Bình.
Qua kiểm tra, dự án của Công ty Tây Bắc chưa đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Công ty Tây Bắc đang thực hiện liên doanh, liên kết với Công ty TNHH Dược phẩm Mailisa Group (Công ty Mailisa) có địa chỉ văn phòng tại nhà LK2, lô 3, Khu đô thị 379, đường Phan Bá Vành, phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình sản xuất thử nghiệm tinh dầu tràm, lá ngải chưa đi vào đại trà.
BQLKKT&CKCN tỉnh Thái Bình xác định Công ty Tây Bắc thực hiện liên kết với Công ty Mailisa sản xuất, chế biến tinh dầu là không đúng với đăng ký đầu tư.
Trước thực trạng này, BQLKKT&CKCN tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Công ty Tây Bắc dừng ngay việc sản xuất thử nghiệm tinh dầu với Công ty Mailisa. Song, đến đầu tháng 7/2021, BQLKKT&CKCN tỉnh Thái Bình cho biết vẫn phát hiện Công ty Tây Bắc triển khai hoạt động liên doanh liên kết để sản xuất.
Ngày 02/7/2021, BQLKKT&CKCN tỉnh Thái Bình tiếp tục có Văn bản số 699/BQLKKT-DN&LĐ yêu cầu Công ty Tây Bắc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó BQLKKT&CNCN yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất các sản phẩm không đúng mục tiêu của dự án. Đồng thời, mảnh đất tại Lô D, đường Trần Thị Dung cũng đang xuất hiện biển hiệu nhà máy sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm, địa điểm kinh doanh của Công ty Mailisa. Vì vậy, BQLKKT&CKCN yêu cầu phải gỡ bỏ biển hiệu Mailisa Group đang được treo tại cổng của Công ty Tây Bắc. Hiện nay BQLKKT&CKCN không quản lý dự án hay doanh nghiệp nào có tên Mailisa.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày 02/7/2021, Công ty Tây Bắc phải hoàn thiện các yêu cầu nêu trên, có báo cáo gửi BQLKKT&CKCN. Quá thời hạn nêu trên, Ban sẽ phối hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến ngày 13/7, theo quan sát của phóng viên, biển tên của Công ty Mailisa vẫn chưa được tháo gỡ khỏi khu đất trên đường Trần Thị Dung.
Sử dụng nguyên, phụ liệu sản xuất mỹ phẩm không đạt chất lượng
Trước đó, ngày 20/4/2021, biên bản giám sát của BQLKKT&CKCN tỉnh Thái Bình đã xác định: Ngày 01/06/2020, Công ty Tây Bắc ký hợp đồng liên kết với Công ty Mailisa sản xuất thử nghiệm tinh dầu tràm, lá ngải chưa đi vào đại trà, hoàn toàn không có mỹ phẩm, thực phẩm.
Vậy nhưng hơn 1 tháng trước khi 2 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng, ngày 22/04/2020, ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã ký Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm số 01/20/SXMP-TB cho Công ty Mailisa, địa chỉ Lô D, đường Trần Thị Dung, trụ sở văn phòng chính tại nhà LK2, Lô 3, Khu đô thị 379, đường Phan Bá Vành, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, mã số doanh nghiệp 1001198844.
Không những thế, thời gian gần đây, xuất hiện trang web có tên “Mailisagroup.com” đăng giới thiệu hình ảnh, thương hiệu, sứ mệnh của Công ty Mailisa (địa chỉ nhà máy trên trang web cùng tại Lô D, đường Trần Thị Dung) chuyên sản xuất, gia công mỹ phẩm, đông dược cho các chủ doanh nghiệp. Đồng thời, trang web còn giới thiệu hàng loạt sản phẩm như: Đệ nhất khớp, Vua dạ dày, Đệ nhất dạ dày, Mộc sơn trà, cùng các loại tinh dầu...
Các loại sản phẩm này được quảng cáo sản xuất bởi đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, máy móc tiên tiến trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế, công thức sản phẩm đa dạng, bán chạy trên thị trường. Hơn thế, để tạo lòng tin cho khách hàng và người tiêu dùng, trang web nói trên còn giới thiệu “Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm” do ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở Y tế ký. Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về căn cứ, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Sở Y tế Thái Bình đối với việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm từ tháng 4/2020 cũng như sự thật về những lời quảng cáo trên trang web “Mailisagroup.com” ?
Ngày 29/06/2021, Sở Y tế Thái Bình đã tiến hành kiểm tra Công ty Mailisa. Tại thời điểm kiểm tra, Sở Y tế cho biết Công ty Mailisa khẳng định không thực hiện nội dung quảng cáo trên website “Mailisagroup.com”. Tuy nhiên, theo ghi nhận, toàn bộ thông tin quảng cáo, giới thiệu trước đó trên trang web này hiện đã bị xóa sạch.
Đồng thời, Sở Y tế xác nhận cơ sở đã sản xuất 14 sản phẩm mỹ phẩm được cấp số phiếu công bố. Đáng chú ý, Sở Y tế tiến hành kiểm tra xác suất 3 sản phẩm (trong 14 loại) gồm: Răng miệng Bách Thiên Hương, Kem chống nắng S50 Plus, NKAUK HNUB liên quan đến các điều kiện sản xuất mỹ phẩm của Công ty Mailisa. Qua kiểm tra, Sở Y tế đã xác định nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất. Đồng thời, công ty không đạt quy định về việc “có bộ phận kiểm tra chất lượng nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm”.
Ngày 05/7/2021, tại báo cáo số 1241/SY-NVD, Sở Y tế Thái Bình cũng cho biết, Công ty Mailisa không cung cấp được Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Để làm sáng tỏ những thông tin này, phóng viên Báo Công lý đã có liên hệ với Sở Y tế Thái Bình để làm rõ nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trước nội dung trên, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình sớm chỉ đạo các đơn vị vào cuộc tiến hành thanh, kiểm tra toàn diện liên quan đến sự việc của Công ty Mailisa.