Những tín hiệu khởi sắc ấn tượng của thị trường du lịch trong thời gian qua đã cho thấy du lịch Việt Nam đang tràn đầy hy vọng về một sự trở lại sáng sủa.
Kỳ vọng từ những “sếu đầu đàn”
Ước tính, đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã có khoảng 5 triệu lượt khách đi du lịch, trong đó, 2 triệu khách đã lưu trú ở các địa điểm du lịch trong nước. Cơn khát du lịch tăng, nhưng cũng làm thay đổi nhiều quan niệm, cách tiêu tiền của du khách. Thách thức với mỗi điểm đến không chỉ là đáp ứng đủ nhu cầu du khách mà còn là đem lại cái mới, bên cạnh những sản phẩm đã quen thuộc.
“Du lịch phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít, nhưng chi tiêu nhiều. Để làm được điều đó, cần những “con sếu đầu đàn”, những tập đoàn lớn, có thực lực và đẳng cấp. Những tập đoàn này phải là những người định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành như những gì Sun Group đã làm với Đà Nẵng, Sa Pa, Quảng Ninh hay Vingroup làm với Phú Quốc, Nha Trang...”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhấn mạnh. Nói về những con số đột biến của du lịch kỳ nghỉ vừa qua, những người trong cuộc đều nhận định đó là một minh chứng cho công cuộc “định hình chân dung du lịch” này.
Việc đầu tư những sản phẩm mới của các doanh nghiệp đang tạo ra một cú hích lớn cho các địa phương để vực dậy ngành công nghiệp không khói.
Chủ tịch UBND TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nhận định: “Thời gian qua, Phú Quốc đã thành công trong việc thu hút các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư những sản phẩm du lịch đỉnh cao, mang tầm quốc tế. Vingroup, Sun Group cùng nhiều tập đoàn khác đã chi hàng tỉ USD, để hình thành nên những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, những điểm đến với nhiều trải nghiệm độc nhất vô nhị, hiện đại, độc đáo, cao cấp”.
Đơn cử, tập đoàn Sun Group đã chớp cơ hội, đón thời điểm vàng phục hồi để ra đời hàng loạt sản phẩm mới tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại Sa Pa (Lào Cai), Lễ hội Hoa Hồng Fansipan lần đầu tiên được tổ chức tại Thung lũng hoa hồng thuộc KDL Sun World Fansipan Legend từ ngày 23/4 đến 23/5/2022. Đi kèm với đó là mùa giải “Vó ngựa trên mây” với sự tranh tài của 30 nài ngựa xuất sắc nhất từ nhiều tỉnh Tây Bắc.
Tại Đà Nẵng, dịp 30/4-1/5, Sun World Ba Na Hills ra mắt hàng loạt sản phẩm mới như Thác Thần Mặt trời với hơn 40 bức tượng vàng mang chủ đề huyền thoại Hy Lạp, Lâu đài Mặt trăng, Cổng Thời Gian, Rạp phim 5D và 2 rạp phim Airship đẳng cấp; show diễn Cuộc chiến ở Vương quốc Mặt Trăng, Lễ hội ẩm thực và bia B’estival tại Quảng trường Beer Plaza… Du khách đã không khỏi bất ngờ về điểm đến vốn đã rất quen này.
Tại Phú Quốc, du khách bên cạnh việc trải nghiệm cáp treo vượt biển dài nhất thế giới ở Hòn Thơm, đã rất phấn khích khi thử cảm giác mạnh với Mộc Xà Thịnh Nộ- trò chơi tàu lượn bằng gỗ đầu tiên tại Việt Nam, hay chiêm ngưỡng toàn cảnh đảo thiên đường Hòn Thơm với game Mắt đại bàng- đài quan sát 360 độ tại Sun World Hon Thom Nature Park…
Biến nguy thành cơ
Phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Muốn vậy, một mặt, chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hòa giải, “Việt Nam - Đất nước an toàn”, hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, một điểm đến với “vẻ đẹp bất tận”. Mặt khác, ngành Du lịch cần chủ động, sáng tạo và ứng phó linh hoạt để đưa du lịch tiếp tục phát triển, sẵn sàng đón dòng khách du lịch trở lại trong năm 2022 và những năm tiếp theo”- Thủ tướng chỉ đạo.
Sự chỉ đạo kịp thời cùng cái bắt tay của cộng đồng doanh nghiệp và những nỗ lực của những người liên quan đang cho thấy du lịch Việt Nam đã vươn dậy đúng hướng. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist cho rằng: “Ðể thu hút du khách, sản phẩm du lịch cần đáp ứng những xu hướng thay đổi nêu trên, trong khi vẫn phải có yếu tố độc đáo, hấp dẫn. Sự khác biệt, đặc sắc của sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường du lịch. Sự khác biệt có thể đến từ việc phát hiện những giá trị đặc sắc của tài nguyên du lịch, hoặc được tạo ra từ sự sáng tạo hay liên kết của nhiều doanh nghiệp du lịch”.
Thực tế, với diện mạo mới mẻ của các điểm đến, những sản phẩm du lịch mới đẳng cấp được “bung nở” thời gian qua, có thể thấy sự nắm bắt nhu cầu và xoay chuyển hướng khá tốt của cộng đồng doanh nghiệp. Nhìn xa hơn, những con số biết nói từ hai dịp nghỉ lễ vừa qua cũng đã cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang tràn đầy niềm tin trở lại đường đua.