Hàng năm, mỗi dịp Tết đến xuân về chính là thời gian để gia đình quây quần, sum họp bên nhau, đúng với ý nghĩa Tết đoàn viên của Việt Nam. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể về với người thân, để được hưởng một cái Tết trọn vẹn, trong đó có những bạn trẻ học tập và làm việc tại nước ngoài, cách xa hàng trăm, hàng nghìn cây số với quê hương.
Ở một đất nước xa lạ, bạn chứng kiến các nền văn hóa mới, được học tập, làm việc tại môi trường yêu thích mà mình lựa chọn, làm quen được nhiều bạn bè, có sự giao lưu văn hóa trên phạm vi thế giới. Tuy tốt là vậy, nhưng có một thứ rào cản không thể vượt qua đối với hầu hết các du học sinh, đó là nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ quê hương. Nỗi nhớ đó ngày càng lớn hơn trong mỗi dịp lễ của Việt Nam, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền.
Đến năm 2023 này sẽ là năm thứ 4 mà bạn Nguyễn Hương Giang - du học sinh đang theo học tại trường Đại học University of New Brunswick (Canada), trải qua cái Tết không ở cạnh gia đình, người thân. Giang chia sẻ: “Mỗi năm sắp đến Tết mình thấy khá là tủi thân, vì truyền thống là năm nào cũng ăn Tết ở nhà, rồi cùng ba mẹ chuẩn bị đồ ăn, mâm cúng, lì xì, và gia đình lúc nào cũng đi chúc tết họ hàng với nhau. Ra nước ngoài rồi thì không còn những cái đó nữa, mình cũng không có người thân ở nước ngoài nên càng thấy cô đơn hơn”.
Các bạn du học sinh của câu lạc bộ SVREN trình diễn áo dài trong chương trình đón Tết
Giang đến và học tập tại Fredericton, so với những nơi như Vancouver hay Toronto, là thành phố không đông đúc và nhộn nhịp lắm, vì vậy ở đây cũng ít người Việt, càng ít hàng quán Việt Nam, ít đồ Việt hơn. Vậy nên, Giang cùng với bạn bè luôn sáng tạo để có thể cảm nhận cái Tết một cách tốt nhất. “Gần Tết, mình và bạn sẽ ra Dollarama (cửa hàng ở Canada) tìm đồ trang trí nhà cửa, thường thì cuối năm họ sẽ hay bán cành đào giả, mình và bạn sẽ mua về cắm.
Về đồ ăn thì nếu năm nào hội sinh viên Việt Nam có tổ chức Tết thì các bạn sẽ chuẩn bị trước. Ngoài ra các gia đình Việt Nam qua định cư khá là tâm lý, nên các bác hay tới thành phố lớn để mua nguyên liệu mà chỗ mình không có, hoặc là mua bánh chưng, nem, gà… làm sẵn, rồi mang đến sự kiện Tết cho các cháu du học sinh ăn cùng. Vào năm 2020, khi mà dịch COVID bùng phát, chúng mình không thể tổ chức nhiều sự kiện được, những lúc như thế mình sẽ rủ bạn đi ăn phở, hoặc cố tìm nguyên liệu làm các món ăn Việt Nam cho đỡ nhớ nhà.” - Giang kể lại.
Cùng chung hoàn cảnh đón Tết xa nhà với Giang, Đào Trần Việt Hoàng, hiện đang là du học sinh năm cuối chuyên ngành Công nghệ thông tin ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp tại Đại học Université de rennes 1 (Pháp) cũng nhớ lại về những năm đón Tết của mình: “Có rất nhiều nhóm sinh viên tại thành phố tự làm các chương trình để đón Tết. Tại nơi mình sống, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ tổ chức một sự kiện bao gồm những hoạt động nấu ăn, múa hát, trình diễn áo dài, diễn kịch… Mỗi năm chúng mình sẽ có một chủ đề khác nhau, bởi vì không thể về đón Tết cùng gia đình nên năm nào các hoạt động cũng thu hút rất nhiều các bạn du học sinh tham gia, dù mới đến hay đã học tập nhiều năm”.
Tổ chức các hoạt động múa hát
Tuy vậy, cũng có một số du học sinh phải trải qua dịp Tết cổ truyền như những ngày thường, như Nguyễn Như Ngọc - du học sinh tại North Island College (đảo Vancouver, Canada) - tâm sự: “Chúng mình học tập tại đảo Vancouver, là một hòn đảo khá vắng vẻ, có thể là một số gia đình gốc Việt sẽ đón Tết trong ngày âm lịch, còn bọn mình thì trải qua giống một ngày bình thường thôi. Nhưng dù sao vẫn là ngày Tết của mình chứ, nên mình sẽ mang tâm trạng vui vẻ, hào hứng nhất học tập, làm việc, lấy đó làm động lực để cố gắng trở về Việt Nam, để có thể sớm trải qua ngày Tết cùng gia đình”.
Đối với nước ngoài, dịp Tết Âm lịch của Việt Nam lại là ngày thường, còn diễn ra trong dịp thi cử của các bạn, nên hầu hết các bạn du học sinh sẽ tổ chức đón Tết vào đúng 30 lịch âm hoặc mùng 1 Tết âm để ăn mừng cùng nhau và chúc Tết, sau đó sẽ quay trở lại tiếp tục công việc học tập và làm việc của mình.
Ăn Tết tại châu Âu khó khăn là vậy, nhưng ở châu Á, đặc biệt là với những nước như Thái Lan,Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… thì việc ăn Tết trở nên dễ dàng hơn bởi đây đều là những nước có truyền thống đón Tết âm lịch, hơn nữa chi phí để bay về Việt Nam cũng không quá đắt đỏ, dễ dàng thuận tiện hơn cho các bạn du học sinh.
Ảnh tập thể của một nhóm các bạn du học sinh Việt tại Pháp
Tuy nhiên, vì không đủ điều kiện về nước đón Tết cùng gia đình, nên nhiều người chỉ còn cách gửi nỗi nhớ của mình qua những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại đường dài. Tuy ở xa nhà nhưng cứ đúng 12 giờ đêm giao thừa 30 Tết theo giờ Việt Nam, những lời chúc Tết của các bạn du học sinh đều được đến tay bố mẹ, người thân và bạn bè.
Với du học sinh, Tết xa quê có cả niềm vui lẫn nỗi buồn nhưng đó cũng là động lực khiến cho các bạn càng có thêm động lực học tập, làm việc và trưởng thành hơn. Từ đó có thể sớm hoàn thành chương trình đào tạo để trở về quây quần cùng gia đình, tiễn năm cũ và đón một năm mới an lành và hạnh phúc.