Các cơ quan chức năng đang gấp rút làm các thủ tục cuối cùng để sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Sau khi sáp nhập, thành phố mới sẽ có diện tích 228 km2, quy mô dân số trên 615 nghìn người và lấy tên là TP Thanh Hóa.
Ngày 30/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã quyết nghị tán thành chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa; thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP Thanh Hóa.
Cụ thể, nhập toàn bộ gần 83 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 101.000 người của huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Sau khi nhập, tên gọi của thành phố là TP Thanh Hóa; có diện tích tự nhiên là hơn 228 km2 và hơn 615.000 người. TP Thanh Hoá có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường và 14 xã.
Cơ quan chức năng cũng quyết định thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 thành phố (TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn), 2 thị xã (thị xã Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn) và 22 huyện.
Một trong những vấn đề được người dân quan tâm nhất chính là tên gọi mới sau sáp nhập. Vấn đề này được người dân, các chuyên gia văn hóa tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội.
Cân nhắc cụ thể, toàn diện nhiều yếu tố như: Danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ sở trước đây hay TP ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa). Đến năm 1889 được thành lập thành thị xã, tên gọi là Thanh Hóa, năm 1994 được thành lập thành phố, tên gọi cũng là Thanh Hóa.
Tên gọi Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính và trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, của tỉnh thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi.
Trong trường hợp phải đổi tên, thì TP Thanh Hóa có quy mô dân số trên 500.000 người, hàng ngàn doanh nghiệp đóng trên địa bàn sẽ bị ảnh hưởng. Việc giữ tên gọi TP Thanh Hóa sẽ làm giảm hạn chế tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân so với tên gọi khác.
Đồng thời góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tải áp lực giải quyết thủ tục hành chính lên cơ quan quản lý nhà nước do phải thay đổi thông tin định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân, địa chỉ liên lạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp...
Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã giao cho UBND tỉnh căn cứ các Nghị quyết đã được thông qua và các quy định để hoàn chỉnh hồ sơ, đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.