TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội: Chú trọng công tác tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm

Mạnh Hùng| 28/11/2021 07:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong nănm 2021, TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác, trong đó, nổi bật là công tác tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm.

c1e30d44-2cc3-4e0f-8a9a-74f8bb33b36b.jpeg
Trung tá Hoàng Đạt Nam, Chánh án TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội

Theo Trung tá Hoàng Đạt Nam, Chánh án TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội cho biết, công tác giải quyết án là nhiệm vụ trọng tâm của TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội. Năm 2021, mặc dù TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đội ngũ cán bộ còn thiếu, ít kinh nghiệm thực tiễn; số lượng án phải giải quyết năm 2021 tăng đáng kể so với năm 2020 cả về số vụ án và số bị can, đồng thời tính phức tạp cũng gia tăng.

Song được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy cấp trên, sự chỉ đạo kịp thời về chuyên môn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng; bên cạnh đó đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ quan có tinh thần trách nhiệm cao, lập trường tư tưởng vững vàng, luôn tích cực, chủ động trong công tác; nội bộ cơ quan đoàn kết, thống nhất cao, TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác, trong đó, nổi bật là công tác tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm.

Thực hiện công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của TANDTC và Công văn số 247/TA-NCTH ngày 26/4/2017 của TAQS Trung ương, ngay từ đầu năm, TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội đã xác định việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là nhiệm vụ thường xuyên và giao cho mỗi Thẩm phán trong năm lựa chọn ít nhất 01 vụ án, báo cáo Chánh án xem xét, quyết định đưa ra xét xử để rút kinh nghiệm.

Kết quả việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được xác định là một trong các tiêu chí để bình xét thi đua đối với cá nhân Thẩm phán và tập thể đơn vị. Năm 2021, TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội đã tổ chức tốt phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm giúp các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên và các Hội thẩm quân nhân nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ; nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.

Chú trọng việc lựa chọn vụ án

Cũng theo Trung tá Hoàng Đạt Nam, Chánh án TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội để phiên tòa rút kinh nghiệm đạt hiệu quả cao, TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội đã chú trọng ngay từ việc lựa chọn vụ án để đưa ra xét xử rút kinh nghiệm. Theo đó, các vụ án được đưa ra xét xử rút kinh nghiệm tại TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội trong năm 2021 đều là những vụ án có tính chất phức tạp hoặc vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo hoặc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

f9346951-cf2c-4ce0-85cc-2902148d3e77.jpeg
Chánh án Hoàng Đạt Nam trao đổi với PV Báo Công lý

Trong đó: Vụ V.Đ.V.C bị xét xử về tội “Vu khống” theo quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 156 BLHS là vụ án phức tạp mà các bị hại đều thuộc ban lãnh đạo của Tập đoàn Viettel và vụ án có sự tham gia của cả luật sư bào chữa cho bị cáo lẫn luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại; vụ Nguyễn Thế Anh bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS, Đào Duy Phúc Mạnh, Giang Văn Khương, Nguyễn Trường Giang bị xét xử về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 BLHS là vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội khác nhau; vụ Hán Thị Hoa bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS là vụ án phức tạp, có nhiều vướng mắc trong việc định tội danh.

Do đó, việc lựa chọn các vụ án để đưa ra xét xử rút kinh nghiệm tại TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội đã đảm bảo đúng các yêu cầu về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Chánh án Hoàng Đạt Nam cũng cho biết thêm, sau khi nghiên cứu và lựa chọn được vụ án đảm bảo tiêu chí theo hướng dẫn của TANDTC và TAQS Trung ương để đưa ra xét xử rút kinh nghiệm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã phối hợp cùng Viện kiểm sát cùng cấp; thông báo các thành phần tham dự phiên tòa gồm Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, các cán bộ làm công tác chuyên môn và một số Hội thẩm quân nhân của cả 2 cấp TAQS Thủ đô Hà Nội và báo cáo TAQS Trung ương để cử cán bộ tham dự phiên tòa; đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa cụ thể.

Bí quyết để các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt hiệu quả cao

Theo Chánh án Hoàng Đạt Nam, để các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt hiệu quả cao; trước khi tổ chức phiên tòa, các Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã nghiên cứu hồ sơ vụ án để nắm chắc nội dung vụ án, xác định đầy đủ và chính xác tư cách tố tụng của những người tham gia tố tụng và những vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Lập kế hoạch xét hỏi, trong đó xác định đầy đủ các tình tiết vụ án và các vấn đề cần chứng minh của vụ án để tập trung làm sáng tỏ khi xét hỏi tại phiên tòa; xác định thứ tự đối tượng xét hỏi cũng như các vấn đề cần hỏi đối tượng xét hỏi. Đồng thời, dự kiến diễn biến phiên tòa, những tình huống pháp lý có thể xảy ra trong quá trình xét xử và biện pháp giải quyết tình huống xảy ra theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chủ tọa phiên tòa giao cho Thư ký kiểm tra lại việc tống đạt giấy triệu tập những người tham gia tố tụng để đảm bảo sự có mặt đầy đủ của họ tại phiên tòa; kiểm tra công tác bảo vệ phiên tòa, những đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc xét xử và giải quyết các vấn đề mới phát sinh, đảm bảo cho phiên tòa tiến hành theo đúng kế hoạch và đạt hiệu quả như mục đích đề ra; đảm bảo tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại phiên tòa. Mời người tham gia phiên họp rút kinh nghiệm; đồng thời chuẩn bị đề cương rút kinh nghiệm sau khi phiên tòa kết thúc.

Tại phiên tòa, các Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng quy định của pháp luật; thể hiện được văn hóa pháp lý nơi xét xử, từ việc bố trí phòng xử án, trang phục của thành viên HĐXX, Kiểm sát viên, cách xưng hô tại phiên tòa, vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng; đảm bảo tính uy nghiêm của pháp luật, thể hiện sự tôn trọng HĐXX, đại diện Viện kiểm sát, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa và tôn trọng nội quy, trật tự phiên tòa.

Việc điều hành phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong suốt quá trình từ khi khai mạc phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, đặc biệt là việc điều hành tranh tụng, việc xét hỏi tại phiên tòa đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng. HĐXX đã tôn trọng và lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa, lời khai của bị cáo và người tham gia tố tụng khác. Chủ tọa điều hành tranh tụng tại phiên tòa, đặt những câu hỏi, xác định những vấn đề để các bên tranh luận với nhau, hướng việc tranh luận đi vào đúng những vấn đề cần chứng minh trong vụ án.

HĐXX chủ động nêu vấn đề để các bên tranh luận, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Đại diện Viện kiểm sát chủ động xét hỏi cùng với Hội đồng xét xử theo trình tự quy định để làm rõ các tình tiết, chứng cứ làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật. Quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng được đảm bảo theo quy định của pháp luật tố tụng. Bên cạnh đó, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã xử lý tốt các tình huống pháp lý xảy ra trong quá trình xét xử; bảo đảm ra được bản án đúng quy định.

Cũng theo Chánh án Hoàng Đạt Nam, ngay sau khi kết thúc phiên tòa, TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội đã tiến hành tổ chức ngay phiên họp rút kinh nghiệm với sự tham gia đầy đủ của các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, các cán bộ làm công tác chuyên môn và một số Hội thẩm quân nhân của cả 2 cấp TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội, đại biểu là cán bộ TAQS Trung ương tham dự phiên tòa.

Tại phiên họp, các đại biểu tham gia đã đánh giá cụ thể các mặt ưu điểm, khuyết điểm của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và thành viên Hội đồng xét xử trong việc xét xử vụ án; rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án; đồng thời kiến nghị các vấn đề về: Hoàn thiện pháp luật, hướng dẫn giải đáp các vướng mắc trong công tác xét xử, giải quyết các loại vụ án, án lệ,... Sau khi kết thúc phiên họp rút kinh nghiệm, TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội đều báo cáo kết quả phiên tòa rút kinh nghiệm gửi TAQS Trung ương để báo cáo.

Thông qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cũng như việc tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm ngay sau mỗi phiên tòa, các cán bộ 2 cấp TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội đã nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật (cả pháp luật về nội dung và pháp luật tố tụng) trong việc giải quyết, xét xử vụ án; rút kinh nghiệm về việc điều hành phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong suốt quá trình xét xử, từ khi khai mạc phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, đặc biệt là kỹ năng điều hành tranh tụng, kỹ năng xét hỏi tại phiên tòa; rút kinh nghiệm về kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý xảy ra tại phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và HĐXX; rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức phiên tòa.

Về tác phong, trang phục, lời lẽ, ứng xử, bản lĩnh nghề nghiệp của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và thành viên HĐXX; rút ra những bài học kinh nghiệm sau phiên tòa và đưa ra những kiến nghị, đề xuất để việc tổ chức các phiên tòa lần sau đạt chất lượng, hiệu quả hơn.

Nhìn chung, các phiên toà rút kinh nghiệm đều đảm bảo dân chủ, khách quan, đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp. Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán xét của Toà án đều căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng.

Bản án của Toà án thể hiện tính khách quan, lập luận có cơ sở để chấp nhận hoặc không chấp nhận ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên và người tham gia tố tụng khác; các trường hợp HĐXX tuyên phạt tù nhưng cho hưởng án treo đều đúng quy định. Vì thế, quyết định của Hội đồng xét xử được những người tham gia phiên tòa đồng tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội: Chú trọng công tác tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm