Kinh tế

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Duy Tuấn 10/10/2024 - 17:13

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc xem xét, sửa đổi các Luật cần rất khẩn trương, nhưng cũng phải rất thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ nên sửa đổi những vấn đề cốt lõi, cấp bách, đã “chín”, đã “rõ”, được thực tiễn chứng minh.

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 38, sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Tránh một nội dung quy định tại nhiều luật

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

c4.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ Bảy và thứ Tám, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa, "trong đó có đề xuất sửa đổi các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch là chưa phù hợp".

Ông Thanh đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật này để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật, dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

Chỉ nên sửa đổi những vấn đề cốt lõi, cấp bách

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần bổ sung quy định về cơ chế giám sát để kiểm soát, bảo đảm chất lượng các quy hoạch được điều chỉnh, nhất là khi không còn thủ tục thẩm định quy hoạch.

c3.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xem xét, sửa đổi các quy định của Luật này cần rất khẩn trương, nhưng cũng phải rất thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ nên sửa đổi những vấn đề cốt lõi, cấp bách, đã “chín”, đã “rõ”, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao.

Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì sẽ xem xét trong quá trình sửa đổi toàn diện luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

c1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ Chín "đã thể chế hóa chủ trương của cấp có thẩm quyền là dừng thực hiện các dự án Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao" (hợp đồng BT). "Hiện nay, dự thảo Luật lại đề xuất bổ sung hình thức BT và quy định cụ thể về cơ chế hợp đồng BT".

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị các cơ quan "cần thống nhất một số vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng dự án Luật này".

c2.jpeg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Cần tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung "thực sự cần thiết, cấp bách, có cơ sở lý luận và thực tiễn rõ ràng, được đồng thuận cao".

Đối với những nội dung còn lại chưa thực sự chắc chắn, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi sau, quán triệt đúng tinh thần Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong phiên họp của Ban cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội. Theo đó, trong “công tác xây dựng pháp luật là phải xuất phát từ thực tiễn, không cầu toàn nhưng cũng không được nóng vội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh