Sáng 13/12, tại TP HCM, TANDTC tổ chức khóa tập huấn “Về việc thực hiện các qui định của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”.
Đây là Chương trình do TANDTC phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) và UNDP thông qua Dự án EU JULE tổ chức.
Tham dự khóa tập huân có bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC; ông Chu Xuân Minh, Thẩm phán TANDTC; đại diện các tổ chức quốc tế; lãnh đạo các Vụ, Viện TANDTC và TAND các tỉnh phía Nam.
Nâng cao chất lượng Thẩm phán
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, Thẩm phán là người nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp, mang sức mệnh cao quý, nhưng trọng trách hết sức nặng nề. Tuy nhiên, xét xử cũng là công việc hết sức khó khăn, vất vả, gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm và rất dễ bị cám dỗ.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại khóa tập huấn ngày 13/12.
Dó đó, nếu Thẩm phán, cán bộ Tòa án không rèn cho mình bản lĩnh vững vàng, sự liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực… thì khó có thể hoàn thành được trọng trách của mình.
Trong hoạt động xét xử, phán quyết của Tòa án là nhân danh quyền lực Nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, vừa tạo ra chuẩn mực đạo đức xã hội.
Thẩm phán phải xem xét đánh giá sự việc một cách cẩn trọng, đặt ra từng hoàn cảnh cụ thể, trên nền tảng đạo đức xã hội để ra bản án thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.
Chất lượng xét xử của đội ngũ Thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự công bằng, liêm chính, minh bạch của hệ thống Tòa án. Chính vì lẽ đó, ngày 4/7/2018, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
Bộ Quy tắc ra đời trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp; Công ước về phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc; Mạng lưới liêm chính toàn cầu; Bộ quy tắc mẫu về ứng xử của Hội đồng Chánh án ASEAN.
Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán Việt Nam đã hệ thống những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán, tăng cường liêm chính tư pháp. Bộ Quy tắc quy định rõ ràng, cụ thể các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, hành vi Thẩm phán không được làm, hoặc phải tránh để đảm bảo sự liêm chính của Thẩm phán. Là cơ sở để xem xét và xử lý kỷ luật đối với Thẩm phán nếu có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử.
Tại khóa tập huấn, ông Trần Văn Thư – Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế TANDTC đã giới thiệu tổng quan kinh nghiệm quốc tế về quy tắc đạo đức tư pháp. Nêu lý do vì sao phải xây dựng Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Hà – Vụ phó Vụ pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã phân tích về nguyên tắc độc lập của Bộ Quy tắc và điều kiện thực hiện. Bộ Quy tắc nhấn mạnh nhiều về nghĩa vụ độc lập của Thẩm phán. Thẩm phán phải có nghĩa vụ phải làm sao thực hiện quyền độc lập, không có nghĩa vụ, tinh thần cao thì không thực hiện được quyền này.
Nhìn nhận thực tế hoạt động xét xử ở Việt Nam, Thẩm phán là rất quan trọng, góp phần hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động xét xử.
Theo đó, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán nhằm giúp các Thẩm phán giải quyết các vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Mang lại sự chủ động trong việc ra quyết định và tăng cường tính độc lập của Thẩm phán.
Cho công chúng biết về các chuẩn mực ứng xử của Thẩm phán mà công chúng có quyền kỳ vọng. Củng cố lòng tin và hiểu biết của công chúng, rằng hệ thống tư pháp được quản lý, vận hành một cách độc lập, vô tư khách quan.
Thảo luận sôi nổi các tình huống cụ thể
Chủ đề thảo luận tại khóa tập huấn bao gồm: Những yếu tố căn bản về liêm chính mà một Thẩm phán cần ghi nhớ; Ý nghĩa thực tiễn một trong số các quy tắc Bangalore đối với Thẩm phán cả trong và ngoài phòng xử án. Khi ứng xử với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các Thẩm phán cần lưu ý gì…
Nhiều Thẩm phán đã tham gia bày tỏ quan điểm, góc nhìn một cách trách nhiệm đối với từng chủ đề.
Ông Chu Xuân Minh - Thẩm phán TANDTC chủ trì đã đặt ra nhiều tình huống cụ thể, thường xảy ra trong hoạt động xét xử của Thẩm phán để các thành viên thảo luận, đưa ra chính kiến, cách xử lý của mình.
Hoạt động xét xử trong thực tế hay diễn ra tình trạng chạy chọt, nhờ mối quan hệ tác động tới Thẩm phán. Trường hợp này, Thẩm phán Chu Xuân Minh đặt ra tình huống: “Một người bạn Thẩm phán đến chơi, khi nói chuyện thì mới hiểu bạn đến tác động xin cho một bị cáo, bỏ lại quà và phát hiện bên trong có phong bì. Đây là câu chuyện trong đời Thẩm phán sẽ gặp, tình huống này chúng ta phải làm sao?”.
Khóa tập huấn được nhiều Thẩm phán, cán bộ Tòa án các cấp đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong thực tiễn hoạt động xét xử.
Một Thẩm phán của TAND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đối với tình huống này, đúng là thực tế diễn ra như thế, về nguyên tắc trong trường hợp này phải báo cáo với Chánh án. Nếu không báo với thủ trưởng đơn vị là mình đã vi phạm, đồng thời tiến hành niêm phong để có biện pháp xử lý.
Một tình huống khác: Bị đơn yêu cầu thay đổi Thẩm phán với lý do trong khi hòa giải Thẩm phán đã phê phán bị đơn là vi phạm pháp luật. Đã cho rằng yêu cầu của nguyên đơn là có lý. Vậy yêu cầu thay đổi Thẩm phán như trên có cơ sở chấp nhận không?
Về trường hợp này, Thẩm phán Đặng Quốc Khởi, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, Thẩm phán được quyền công khai chứng cứ, phải có nghĩa vụ hòa giải. Những điều quy định Thẩm phán không được làm trong quá trình hòa giải thì nói chung chung, chưa có văn bản cụ thể về phương pháp, nguyên tắc hòa giải.
Tuy nhiên, Điều 52 quy định những điều Thẩm phán phải công tâm, vô tư. Chính vì vậy, trong quá trình hòa giải mà Thẩm phán đã chỉ ra cái sai trong lúc hòa giải coi như ý nghĩ của Thẩm phán đã tỏ rõ trước khi phán quyết. Do đó vấn đề này không được coi là hợp pháp.
Một tình huống đặt ra: Nguyên đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì Chủ tọa phiên tòa là chị em dâu với con của bị đơn. Kháng cáo này có cơ sở chấp nhận không?
Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu Đặng Quốc Khởi cho rằng, tùy vùng miền khi xét mối quan hệ. Tuy nhiên, ở miền Nam, nếu người nào đó là chị em dâu với con của bị đơn thì có thể ở chung nhà, nên có thể xem là thân thích. Nên trường hợp này có cơ sở kháng cáo.
Ngoài ra, còn rất nhiều tình huống khác được giả định đặt ra đòi hỏi hướng xử lý của Thẩm phán dựa trên nguyên tắc bản lĩnh, sự liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực… trong một vụ án đã nhận nhiều quan điểm xử lý của Chánh án, Thẩm phán của Tòa án các cấp khu vực phía Nam.