Trước sự cần thiết phải cải cách thể chế kinh tế trong nước theo hướng tạo ra môi trường kinh doanh tự do, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản luật và chính sách quan trọng có hiệu lực thi hành trong năm 2015.
Cụ thể như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do đầu tư, kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà luật không cấm. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, luật đề ra yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư; hoàn thiện chế độ phân cấp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư...
Thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh
Tương tự, những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của Luật Doanh nghiệp, đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN); thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian chi phí trong thủ tục thành lập DN. Ngoài ra, luật cũng sửa đổi, bổ sung các nội dung giảm chi phí; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên công ty; tạo thuận lợi cho các bên có liên quan tham gia vào giám sát hoạt động của DN.
Riêng đối với thuế, năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu cắt giảm 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế và phấn đấu đến năm 2015 thời gian nộp thuế của DN sẽ ngang bằng với mức trung bình trong khối ASEAN. Vì vậy, việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 sẽ tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng được sự phiền hà cho DN, nuôi dưỡng được nguồn thu thong qua việc miễn, giảm, áp mức thuế suất thấp đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của DN tại địa bàn khó khăn, trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp...
Hy vọng với việc cải cách thể chế kinh tế nói trên, sẽ cải thiện Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam khi so sánh với thế giới, cạnh tranh được với các nước láng giềng trong khu vực ASEAN và quốc tế; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp cho DN trong nước phát triển và làm giàu.
Quyền tư pháp được công nhận, cải cách tư pháp đạt mục đích
Năm 2014, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế xã hội. Các cơ quan tư pháp đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử nhiều vụ hình sự lớn như vụ mua bán, vận chuyển 12 tấn heroin ở Quảng Ninh, vụ đánh bạc lớn nhất miền Bắc xảy ra tại Bắc Ninh, vụ Dương Tự Trọng và đồng phạm… Đặc biệt, Cơ quan điều tra đã khởi tố hàng trăm vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Thiên Thanh, Ban quản lý Đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; đã truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn với mức án nghiêm khắc, trừng phạt đúng người, đúng tội như vụ Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hang phát triển Việt nam khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông, vụ Vũ Quốc Hào, nguyên Giám đốc ALC II với mức án tử hình; vụ Nguyễn Đức Kiên với mức án 30 năm tù giam, vụ Huỳnh Thị Huyền Như với mức án chung thân.
Năm 2015, hệ thống các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân sẽ có nhiều đổi mới quan trọng khi triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đây là hai đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới. Các đạo luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, đã xác định Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; thành lập Tòa án 4 cấp, Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; công bố án lệ;
Các đạo luật này đã có những điểm mới quan trọng như Tòa án có quyền kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, lựa chọn và công bố án lệ; cụ thể hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp 2013 có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Viện kiểm sát như nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử, mở rộng thẩm quyền điều tra của Viện KSND cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm, đó là điều tra các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp…
Việc ban hành các đạo luật này đã chứng tỏ công cuộc cải cách tư pháp có sự chuyển biến tích cực, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 08 và 49 đã đề ra. Hy vọng TAND các cấp sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ “phụng công, thủ pháp”; góp phần giúp cho Kiểm sát viên các cấp tự tin khi thực hiện lời dạy của Hồ chủ tịch “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”.
Quan tâm cải thiện đời sống của nhân dân
Năm 2015, nhiều đạo luật, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến dân sinh, quyền con người có hiệu lực thi hành. Cụ thể như Luật Việc làm, quy định chính sách hỗ trợ việc làm, bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, bảo đảm thu nhập, an toàn nơi làm việc, bảo hiểm thất nghiệp; theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quyền lợi của người BHYY được mở rộng, người dân các vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo, biên giới được ngân sách nhà nước chi trả khi khám chữa bệnh; Luật Hôn nhân gia đình đã bỏ quy định kết hôn giữa những người đồng tính, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng được quy định tại Luật Xây dựng, Luật Hải quan, Luật Công chứng, Luật Môi trường; tạo thuận lợi cho người nước ngoài xuất, nhập cảnh, cư trú tại Việt nam, phát triển du lịch và thu hút du khách đã được Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài…
Nhằm ngăn chặn các vụ việc như Ngô Thanh Kiều, Nguyễn Thanh Chấn xảy ra, Quốc hội đã 100% bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về Chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và làm nhục con người. Cùng với những đạo luật khác như Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới…Nghị quyết này đã góp phần thể hiện rõ chính sách nhân đạo, quan tâm đến quyền con người, quyền công dân của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua.
Cuối cùng, một tin vui trong những ngày đầu năm mới cho hơn 5 triệu người về hưu, người có công, cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang có thu nhập thấp, Chính phủ tăng lương từ 8% so với mức lương, trợ cấp cũ. Cùng với đó, hang trăm ngàn công nhân sẽ được điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 240.000-400.000 đồng/tháng. Hy vọng, sẽ có nhiều gia đình có một cái tết đầy đủ, ấm cúng, tràn đầy hạnh phúc trong năm Ất Mùi.