Tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong mùa nắng nóng

Lan Trần| 21/06/2019 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời tiết nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên lưới cũng như của từng hộ tiêu thụ điện.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện quốc gia đã đạt công suất lên đến gần 39.000 MW. Cụ thể, vào ngày 20/5/2019, công suất hệ thống điện toàn quốc đã đạt tới 36.885 MW, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng điện của cả nước cũng ghi nhận con số cao kỷ lục ở mức 785,92 triệu kWh, tăng đến 15% so với mức cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt diện rộng, kéo dài liên tục ở mức 39-40 độ C ở miền Bắc và miền Trung dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát. Theo thông tin dự báo thời tiết, thời tiết năm nay sẽ còn có diễn biến phức tạp, nắng nóng có xu hướng tăng cao bất thường. Vì vậy tình hình tiêu thụ điện được dự báo vẫn tiếp tục ở mức rất cao, nhiều khả năng sẽ lại tạo lập những kỷ lục mới.

Tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong mùa nắng nóng

Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nhu cầu về công suất đỉnh và điện năng tiêu thụ của phụ tại đã đạt xấp xỉ đến khả năng huy động tất cả các nguồn điện cũng như giới hạn truyền tải của lưới điện quốc gia, nguy cơ xảy ra một sự cố trong nhà máy điện và trên lưới điện truyền tải dẫn tới hậu quả mất ổn định hệ thống, gây rã lưới toàn bộ hoặc một phần trong hệ thống điện quốc gia là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên lưới cũng như của từng hộ tiêu thụ điện. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố dẫn tới mất điện, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ tăng cao, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các cơ quan, công sở, doanh nghiệp và người dân cần tiếp tục triệt để sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý góp phần giúp ngành điện và đất nước trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh giá điện đã được điều chỉnh tăng 8,36% thì việc tiết kiệm điện sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như giúp tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình sử dụng điện.

Cụ thể đối với hộ gia đình nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (nhiều sao hơn, tiết kiệm hơn); tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt; sử dụng điều hòa nhiệt độ có biến tần, vận hành các thiết bị điện một cách hợp lý và tiết kiệm, v.v…

Sử dụng máy điều hòa không khí ở chế độ hợp lý như: đặt nhiệt độ ở 25 - 26 độ C (ban ngày) và 27 – 28 độ C (ban đêm); sử dụng chung phòng điều hòa (vừa tiết kiệm điện vừa gắn kết thành viên gia đình tốt hơn); kết hợp vận hành điều hòa và quạt gió cùng lúc giúp giảm bớt công suất của điều hòa (có thể tiết kiệm tới 10% điện năng tiêu thụ); đặc biệt lưu ý: khi sử dụng điều hòa, không để thất thoát không khí ra bên ngoài bằng cách đóng kín các cửa sổ, cửa kính, cửa ra vào, v.v…).

Sử dụng tủ lạnh đúng cách như: không đặt nhiệt độ quá lạnh, hạn chế số lần mở tủ lạnh để giảm lượng khí lạnh bay ra bên ngoài, kiểm tra gioăng cao su, cửa tủ phải kín để giữ nhiệt.

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt là giá điện bậc thang (6 bậc), bậc càng cao thì giá càng cao, mức chênh lêch giá giữa các bậc với nhau tương đối cao (ví dụ: giá điện của bậc 1 và 2 chỉ bằng khoảng 60% giá điện của bậc 5 và 6), do vậy mỗi cá nhân, hộ gia đình cần lưu ý để sử dụng điện tiết kiệm, điều này sẽ giúp giảm chi phí tiền điện, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cho các hộ gia đình.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn (như máy nghiền, máy nén khí...vào giờ cao điểm từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày), không để các thiết bị điện hoạt động không tải; Đầu tư, cải tiến, thay thế dần các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện; Rà soát đánh giá và đầu tư thêm các thiết bị tiết kiệm điện như: lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất...

Các doanh nghiệp sản xuất nên lắp thêm các thiết bị đo đếm điện năng tại các bộ phận (tổ/đội/dây chuyền) sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng, đồng thời giao trách nhiệm tiết kiệm điện cho các bộ phận trong doanh nghiệp thực hiện; thực hành tiết kiệm điện...

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cũng khuyến cáo khách hàng hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư lắp đặt thêm điện mặt trời áp mái để sử dụng luôn nguồn điện mặt trời tại chỗ, tiết kiệm chi phí tiền điện, làm mát nhà xưởng và có thời gian hoàn vốn đầu tư tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong mùa nắng nóng