Ngày 18/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh, các phương tiện thông tin đại chúng (PTTTĐC) với những ưu thế đặc biệt là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả xã hội cao.
Quang cảnh Hội thảo
Các PTTTĐC có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác PBGDPL, được thể hiện ở các khía cạnh như nâng cao tính tự giác thực hiện pháp luật của mọi công dân trong xã hội; gắn kết với vai trò quản lý và giám sát hoạt động lập pháp. Vì vậy, Bộ Tư pháp xác định sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong thông tin, truyền thông về công tác PBGDPL.
Theo lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, giai đoạn hiện nay có nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với sự tham gia của các PTTTĐC vào công tác PBGDPL. Tính riêng trong lãnh thổ nước ta đã có hơn 200 mạng xã hội, rất thu hút người dân, từ đó nổi lên vấn đề truyền thông, nhất là truyền thông đa phương tiện, cần được triển khai như thế nào cho phù hợp nên cần sự vào cuộc, chung lưng đấu cật của các cơ quan báo chí để cùng với cơ quan nhà nước nói chung, Bộ Tư pháp nói riêng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương để kịp thời truyền tải đầy đủ các thông tin pháp luật bảo đảm nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, đáp ứng phần nào yêu cầu từ xã hội, người dân.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa ngành tư pháp và các cơ quan báo chí còn thiếu chặt chẽ, thiếu tính ổn định, thường xuyên. Nội dung PBGDPL qua hệ thống truyền thông báo chí chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân, hình thức còn đơn điệu, khô cứng, thiếu tính hấp dẫn để thu hút khán thính giả, độc giả quan tâm theo dõi. Việc gắn kết giữa báo chí với mạng xã hội để thực hiện PBGDPL chưa được quan tâm triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn…
Để tiếp tục phát huy vai trò của các PTTTĐC trong công tác PBGDPL, lãnh đạo Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật đưa ra một số giải pháp. Cụ thể là tăng cường hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phối hợp đồng bộ, có chất lượng, hiệu quả về các chương trình PBGDPL trên PTTTĐC; các PTTTĐC căn cứ vào tôn chỉ, mục đích, nhu cầu của xã hội, của người dân để có nội dung pháp luật, hình thức thể hiện đáp ứng được yêu cầu của đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình truyền thông pháp luật hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo sự chuyển biến tích cực đối với công tác PBGDPL trên các PTTTĐC; quan tâm bố trí kinh phí, thu hút các nguồn lực từ xã hội hóa đối với các hoạt động truyền thông…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận ý kiến về kinh nghiệm, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác PBGDPL; hiệu quả tác động từ các chương trình về PBGDPL; giải pháp để nâng cao hiêu quả PBGDPL trên mạng thông tin điện tử thời gian tới.
Các đại biểu đều có chung nhận định, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác PBGDPL. Bởi vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ, sâu sắc giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan truyền thông để tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số bởi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị hiện nay.