Pháp luật quy định thế nào về "đòi nợ thuê"?

Đỗ Việt| 09/04/2019 15:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đòi nợ thuê" là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật đầu tư 2014.

Liên quan đến vụ con nợ đánh trọng thương nhóm người thuộc một công ty đòi nợ thuê ở TPHCM, Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Đỗ Đức Lân (SN 1974, ở Yên Thọ, thị xã Đông Triều) để điều tra về các hành vi: Cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác. Lệnh bắt khẩn cấp trên được thực hiện sau khi có kết quả giám định thương tích và bị hại có đơn tố cáo những hành vi trên của Đỗ Đức Lân.

Theo kết quả điều tra bước đầu, năm 2014, ông Đỗ Đức Lân có vay 400 triệu đồng của một người tên Thành ở thị trấn Mạo Khê, cùng thị xã Đông Triều. Sau nhiều lần đòi tiền không được, ông Thành đã ký hợp đồng với Công ty CP dịch vụ đòi nợ thuê Hưng Thịnh để đòi số tiền trên.

Pháp luật quy định thế nào về

3 người của công ty đi đòi nợ bị con nợ đánh rồi quay clip đưa lên mạng

Ngày 6/4, nhóm người thuộc Công ty Hưng Thịnh đã đến nhà ông Lân để đòi nợ, tuy nhiên quá trình đòi nợ đã xảy ra cãi cọ dẫn đến xô xát. 5 người của công ty đòi nợ thuê bị bố con ông Lân đóng trái cửa rồi đánh tới tấp, 2 người trong số nhóm đòi nợ thuê may mắn chạy thoát. Vụ việc sau đó được chính con trai ông Lân quay video rồi tung lên mạng xã hội.

Được biết, trước khi cử người đến địa bàn đòi nợ, phía Công ty Cổ phần dịch vụ Hưng Thịnh đã có thông báo gửi đến Công an xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều.

PV Báo Công lý đã có buổi trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội xoay quanh tính chất pháp lý của dịch vụ đòi nợ thuê theo quy định của pháp luật hiện hành.

PV: Luật sư đánh giá như thế nào về vụ việc người đi đòi nợ lại bị con nợ đánh rồi quay video đưa lên mạng xã hội?

Ths.Luật sư Đặng Văn Cường: Đây đúng là vụ việc hi hữu, bởi thực tiễn cho thấy hầu hết các vụ án đòi nợ thì nhóm người đi đòi nợ thuê thường là đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật, đánh con nợ để đòi nợ và bị pháp luật xử lý. Trong khi trong vụ án này thì nhóm người đi đòi nợ lại bị chủ nợ đánh. Dưới góc độ pháp lý, bên nào sai thì bên đó phải chịu trách nhiệm, không phân biệt đối tượng là con nợ hay người đi đòi nợ, vi phạm đến đâu xử lý đến đó.

PV: Pháp luật quy định hoạt động dịch vụ đòi nợ và thủ tục đòi nợ hiện nay như thế nào thưa luật sư?

Ths.Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện tại có ba cách khác nhau để thu hồi khoản nợ từ khách hàng, theo đó người cho vay có thể tự thu hồi khoản nợ từ khách hàng; người cho vay thuê các công ty thu hồi nợ thu hồi khoản vay; người cho vay bán khoản nợ cho các tổ chức mua nợ trên thị trường.

Pháp luật hiện hành công nhận kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hay nhiều người gọi là “đòi nợ thuê” như một loại dịch vụ tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/06/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12/09/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP.

Pháp luật quy định thế nào về

Ths.Luật sư Đặng Văn Cường

Nói cách khác, “đòi nợ thuê” không phải tội phạm như nhiều người vẫn lầm tưởng mà nó được công nhận là dịch vụ “đòi nợ”, một dịch vụ có tính chất đặc biệt, được pháp luật công nhận và điều chỉnh. Đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật đầu tư 2014. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và đã quá hạn thanh toán. Còn các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật. Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận. Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng). Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.

PV: Trong trường hợp đòi nợ dẫn đến xô xát đánh nhau thì xử lý như thế nào?

Ths.Luật sư Đặng Văn Cường: Nếu việc đòi nợ dẫn đến xô xát, đánh nhau thì cần phải xem xét trách nhiệm từ cả hai phía, người đi đòi nợ và con nợ. Tại điểm a khoản 2 điều 11 Nghị định 104/2007/NĐ-CP cũng quy định hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ và cá nhân liên quan là hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Do đó phía đi đòi nợ phải thực hiện việc đòi nợ theo đúng thủ tục pháp luật quy định, nếu dùng vũ lực, cưỡng ép, cướp tài sản của người bị đòi nợ mà không phải do con nợ tự nguyện giao tài sản trả nợ thì có thể bị xử lý về các tội Cưỡng đoạt tài sản, tội Cướp giật tài sản,… Nếu những đối tượng đi đòi nợ có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS. Thực tế nhiều trường hợp người đi đòi nợ đã bị xử lý về các tội danh này.

Bên cạnh đó hành vi sử dụng vũ lực đối với người của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ quy định tại điểm b khoản 1 điều 11 Nghị định 104/2017. Như vậy đối với phía con nợ, không được sử dụng vũ lực đối với người đi đòi nợ. Tuy nhiên nếu phía đi đòi nợ có hành vi dùng vũ lực thì con nợ có thể có hành vi tự vệ, dùng vũ lực chống trả lại. Song hành vi này chỉ nhằm phòng vệ chính đáng, nghĩa là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Hoặc việc chống trả là tình thế cấp thiết, nghĩa là người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Trong các trường hợp này thì hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Trường hợp hành vi chống trả trên vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nghĩa là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại hoặc trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc người gây thiệt hại quá yêu cầu của tình thế cấp thiết vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Trường hợp có lỗi cố ý gây thương tích cho người đi đòi nợ và tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì có thể bị xem xét xử lý về tội Cố ý gây thương tích.

PV: Trong vụ việc này, việc khởi tố hình sự có căn cứ không?

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường: Về nguyên tắc để khởi tố về tội cố ý gây thương tích thì cơ quan điều tra phải thu thập được chứng cứ chứng minh phía chủ nhà trong vụ án đòi nợ trên đã có hành vi với lỗi cố ý để gây thương tích cho nạn nhân và tỉ lệ tổn thương cơ thể thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 và phải không thuộc các trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết,…

Trong trường hợp khởi tố vụ án thì cơ quan tố tụng có thể xem xét đến yếu tố phía chủ nhà phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh (do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người đi đòi nợ với người thân thích của chủ nhà – con trai) để xem xét khởi tố về Tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 135 BLHS 2015 sửa đổi 2017.

Xin cám ơn luật sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pháp luật quy định thế nào về "đòi nợ thuê"?