Trong những năm qua, TANDTC đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản án và quyết định của Tòa án. Nhân Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống TAND, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về vấn đề này.
PV: Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án là một trong những giải pháp được TANDTC xác định nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Là luật sư trực tiếp tham dự nhiều vụ án lớn, ông có nhận định như thế nào về vấn đề trên?
Luật sư Lê Văn Hà: Từ năm 2015 đến nay là khoảng thời gian một loạt các Bộ luật và Luật tố tụng được ban hành mới, sửa đổi căn bản và toàn diện, trong đó có Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự mới được ban hành và có hiệu lực. Bên cạnh đó, hàng loạt các nguyên tắc, quy định tố tụng mới được áp dụng, ví dụ như cho phép người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi bắt đầu tố tụng; tăng cường quyền hạn và trách nhiệm cá nhân của người tiến hành tố tụng từ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên cho đến Luật sư, áp dụng nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử,...
Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, TANDTC đã ban hành hàng loạt các văn bản như Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự và Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính.
Hơn nữa, các bản án, quyết định của TAND các cấp theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Tôi được biết TANDTC đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn liên quan đến phương pháp, cách thức viết và trình bày bản án. Tất cả đều có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xét xử của Tòa án và chất lượng bản án của các cấp Tòa án theo hướng tích cực hơn.
Luật sư Lê Văn Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
PV: Xin ông cho biết những năm gần đây chất lượng bản án, quyết định của Tòa án đối với những vụ án lớn, những vụ án dư luận đặc biệt quan tâm có những gì nổi bật?
Luật sư Lê Văn Hà: Những vụ án lớn bao giờ cũng được giao cho các Thẩm phán hoặc Kiểm sát viên có kinh nghiệm và năng lực tiến hành. Trong thời gian gần đây, Tòa án đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trong đó có những vụ án tiêu biểu như: vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm bị truy tố, xét xử về các tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm bị kết án về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Nguyễn Ngọc Sự và đồng phạm bị kết án về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”...
Trong các vụ án lớn này công tác xét xử, điều hành phiên tòa luôn được thực hiện đúng luật, hoạt động tranh tụng được áp dụng. Các bản án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại. Các bản án trong những vụ án này cũng chỉ ra nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, tội phạm, qua đó kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước, những kẽ hở của cơ chế, chính sách để các cơ quan liên quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục hiệu quả. Đối với cá nhân tôi, qua theo dõi hoặc tham dự trực tiếp nhận thấy chất lượng các bản án đại đa số được đảm bảo và có được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội.
PV: Những năm qua TAND các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Luật sư Lê Văn Hà: Cùng lúc có rất nhiều thay đổi cả về thủ tục tố tụng và luật với các nội dung có hiệu lực. Rõ ràng cần có thời gian để các bên tham gia tố tụng làm quen và áp dụng nhuần nhuyễn các quy định mới, kể cả phía Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra và phía luật sư cũng như những người tham gia tố tụng khác. Từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, tôi nhận thấy chất lượng công tác xét xử có sự thay đổi theo chiều hướng có sự cải thiện ngày càng tốt hơn; chắc chắn đây là kết quả của công tác nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ cũng như tập huấn thường xuyên trong nội bộ các cơ quan này. Tuy nhiên vẫn cần thêm nỗ lực để hoàn thiện và nâng cao chất lượng bản án.
PV: Dưới góc nhìn của một luật sư, xin ông cho biết, để nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án thì hệ thống Toà án cần chú trọng những giải pháp nào?
Luật sư Lê Văn Hà: Tôi tin là trong thời gian tới công tác rút kinh nghiệm, trao đổi và tập huấn nghiệp vụ liên quan đến nâng cao chất lượng bản án vẫn sẽ là ưu tiên của Tòa án các cấp. Tôi được biết TANDTC có định hướng nghiên cứu xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của bản án, quyết định của Tòa án” cũng như tiếp tục hoàn thiện, ban hành các biểu mẫu tố tụng, tôi cho rằng đây sẽ là những tài liệu bổ ích cho cả các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và giới luật sư.
Một giải pháp nữa để nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án là tăng cường tổng kết, công bố án lệ cũng như hướng dẫn áp dụng án lệ của TANDTC. Nguyên tắc áp dụng án lệ được quy định tại Điều 191 Luật Tố tụng hành chính, Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự và được cụ thể hóa trong hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Cho đến nay, TANDTC đã công bố áp dụng 26 án lệ, trong thời gian tới số lượng án lệ được công bố chắc chắn sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ trong các quan hệ hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại cụ thể hiện còn mới mẻ đối với những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Không chỉ vậy quá trình giải quyết các tranh chấp, nhiều trường hợp cách hiểu và vận dụng nội dung án lệ của cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng còn mang tính chất chủ quan, dẫn đến việc vận dụng pháp luật nội dung không thống nhất.Do đó, việc có những hướng dẫn, tập huấn về áp dụng án lệ từ TANDTC nhằm nâng cao kỹ năng áp dụng án lệ là việc làm rất cần thiết trong thực tế hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!