Tiêu điểm

Tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân có đóng góp lớn cho bộ sách Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2023)

Đ. Việt 04/01/2024 16:23

Nhân dịp Lễ ra mắt bộ sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2023)" diễn ra thành công tốt đẹp, ngày 4/1, TANDTC tổ chức buổi gặp mặt với các chuyên gia lịch sử, Ban biên soạn, những người đã có đóng góp lớn trong việc biên soạn, xuất bản bộ sách. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì buổi gặp mặt.

anh-8.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi gặp mặt với các chuyên gia lịch sử, Ban biên soạn cuốn sách Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2023).

Cùng dự có Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến; đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học; đại diện Hội đồng thi đua khen thưởng TAND và các chuyên gia có đóng góp lớn trong việc biên soạn xuất bản bộ sách.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các chuyên gia lịch sử tham gia quá trình sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn, trực tiếp chắp bút.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trước đó TANDTC đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, các nhân chứng lịch sử.

Sau nhiều năm làm việc miệt mài, tận tụy, đến nay đã xuất bản thành công bộ sách Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam và tổ chức lễ ra mắt tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2024 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, bên cạnh Lịch sử Tòa án, cuốn sách còn gắn liền với lịch sử của Đảng, của đất nước, của dân tộc và thời đại. Đặc biệt, cuốn sách có Chương về Lịch sử Tư pháp Việt Nam là một Chương rất quan trọng để khẳng định một đất nước có chủ quyền, trị vì đất nước bằng Luật thành văn, gắn liền với lịch sử dân tộc, chủ quyền quốc gia.

Thông qua Bộ sách còn có thể thấy được một phần lịch sử, những Nghị quyết về cải cách tư pháp và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua các thời kỳ là sự phát triển về tư duy của Đảng. Khẳng định quyết tâm của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta thông qua các vụ án.

anh-6.jpg
anh-5.jpg
anh-4(1).jpg
anh-3(1).jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tặng bằng khen cho tập thể và các cá nhân có đóng góp lớn trong việc biên soạn, xuất bản bộ sách

Nhằm ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân trong quá trình soạn thảo, xuất bản, in ấn và phát hành bộ sách, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã quyết định tặng Bằng khen cho 1 tập thể Ban sách giáo khoa - tham khảo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác biên soạn, xuất bản, in ấn và phát hành Bộ sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945-2023)”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của TAND.

anh-1(2).jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tặng sách cho các chuyên gia

Thay mặt các chuyên gia được tặng bằng khen, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vui mừng, trân trọng cảm ơn tình cảm của đồng chí Chánh án và các đơn vị của TANDTC đã dành thời gian tổ chức buổi gặp mặt với các chuyên gia lịch sử, Ban biên soạn đã góp phần làm nên sự thành công của cuốn sách.

anh-2(2).jpg
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà: "Bộ sách này như là “gia phả” của hệ thống Tòa án, ghi lại tất cả quá trình ra đời, hoạt động, phát triển, trưởng thành của hệ thống Tòa án"

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, để có bộ sách dày dặn công phu này là công sức, trí tuệ của rất nhiều người, trong đó có sự chỉ đạo rất sát sao của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

Bộ sách này như là “gia phả” của hệ thống Tòa án, ghi lại tất cả quá trình ra đời, hoạt động, phát triển trưởng thành của hệ thống Tòa án.

Qua cuốn sách này, các thế hệ cán bộ Tòa án cả nước nhìn thấy được những chặng đường vẻ vang trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân.

Bộ sách Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2023), tái hiện những chặng đường vẻ vang của TAND Việt Nam gồm 3 tập:

Tập 1 "Tòa án nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc (1945 - 1975)”: gồm 4 chương:

Chương Mở đầu: Quá trình hình thành, phát triển quốc gia dân tộc Việt Nam và thành tựu xây dựng Nhà nước, pháp luật trước năm 1945:

Chương mở đầu nêu lên sự hình thành và phát triển của Nhà nước và pháp luật Việt Nam qua thời kỳ nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, thời kỳ Bắc thuộc, thời quốc gia phong kiến độc lập và thời chế độ thuộc địa - phong kiến.

Chương I: Tòa án nhân dân Việt Nam ra đời góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng và thúc đẩy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954):

Năm 1945 được đánh dấu bằng sự kiện Tòa án nhân dân Việt Nam ra đời và từ đó phát huy vai trò, góp phần đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, trừng trị tội phạm phản động, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Chương II: Xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam, thành lập Tòa án nhân dân tối cao (7/1954 - 1960).

Chương II nêu lên quá trình hoàn thiện và củng cố về tổ chức của hệ thống Tòa án nhân dân trong đó tiêu biểu là sự kiện thành lập Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án tập trung xét xử các tội phạm phá hại, phản cách mạng.

Chương III: Tòa án nhân dân trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1961- 1975).

Chương III nêu lên nhiệm vụ của Tòa án trong xét xử tội phạm phản loạn và gián điệp, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tập 2 "Tòa án nhân dân Việt Nam trong thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1975 - 2002)”: gồm 2 chương:

Chương IV: Tòa án nhân dân Việt Nam trong những năm đầu cả nước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (5/1975 - 1982)

Chương IV mô tả quá trình Tòa án kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc.

Chương V: Tòa án nhân dân Việt Nam trước và trong những năm đầu đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1983 - 2002)

Chương này thể hiện quá trình Tòa án tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, góp phần làm thất bại từng bước chiến lược “Diễn biến hòa bình”, Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tập 3 "Tòa án nhân dân Việt Nam trong công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế (2003 - 2023)": gồm 2 chương:

Chương VI: Tòa án nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế (2003 - 2014)

Trong giai đoạn 2003-2014, Tòa án tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án.

Chương VII: Tòa án nhân dân Việt Nam đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế (2015-2023)

Trong giai đoạn này, Tòa án đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng hệ thống Tòa án vững mạnh, đẩy mạnh giải quyết xét xử án tham nhũng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân có đóng góp lớn cho bộ sách Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2023)