Xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án là tất yếu nhằm bắt kịp nền tư pháp văn minh của thế giới. Thời gian qua, TAND TP Dĩ An (Bình Dương) đã từng bước chuyển giao, ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” phục vụ công tác xét xử, quản lý hồ sơ.
Theo TANDTC, việc xây dựng phần mềm “Trợ lý ảo” là cách số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xử án của các Thẩm phán, cán bộ Tòa án. Những kiến thức đó cần chuyển hóa thành tư liệu số, để các thế hệ sau kế thừa, tham khảo.
Hiện có hơn 100 Thẩm phán, chuyên gia đã được huy động tham gia xây dựng, phát triển dự án. Họ cũng là những người thẩm định, xem xét nội dung nào được số hóa, nạp vào phần mềm. Các Thẩm phán cả nước có thể phản hồi, chấm điểm, đưa ra các tình huống cho “Trợ lý ảo” để dự án ngày càng hoàn thiện và “thông minh hơn”.
Phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ trở thành công cụ đắc lực phục vụ công tác xét xử, quản lý hồ sơ… cho ngành Tòa án
Hiện nay, toàn ngành Tòa án đã đưa ứng dụng “Trợ lý ảo” vào hoạt động nghiệp vụ và bảo đảm 100% các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án sử dụng phần mềm phục vụ công tác chuyên môn.
Theo Kế hoạch số 49/KH-TANDTC ngày 15/3/2022 của TANDTC, phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí, thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chiến lược cải cách tư pháp.
Các thông tin do “Trợ lý ảo” cung cấp có độ chính xác cao, kể cả ngày ban hành, ngày có hiệu lực, ngày hết hiệu lực, nội dung các điều khoản...Ứng dụng này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo.
Người sử dụng có thể tham gia tích cực vào việc huấn luyện, cung cấp và làm giàu trí thức cho phần mềm thông qua quá trình sử dụng và đưa ra các ý kiến đóng góp.
Kể từ khi được đưa vào sử dụng vào tháng 4/2022, phần mềm “Trợ lý ảo” còn đóng vai trò là cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Toà án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp; Cung cấp dịch vụ chỉ dẫn pháp luật và đoán định tư pháp cho người dân trong tương lai như trả lời về tội danh hoặc dạng tranh chấp dân sự dựa trên dữ liệu về hành vi, tình huống pháp lý…
Chánh án TAND TP Dĩ An Nguyễn Minh Hoàng đánh giá cao hiệu quả, tính ứng dụng của phần mềm “Trợ lý ảo” trong hoạt động tư pháp.
Theo báo cáo tổng kết năm 2022, TAND TP Dĩ An (Bình Dương) là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tòa cơ sở đã thụ lý 2.554 vụ, việc các loại, giải quyết 2.459 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 96,28%, tạm đình chỉ 25 vụ, không có án quá hạn. Bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 8,91 vụ/tháng.
Tất cả các vụ, việc đều được giải quyết kịp thời, trong hạn luật định. So với cùng kỳ năm 2021, giải quyết 1.472 vụ, việc/1.837 vụ, việc thụ lý, số án thụ lý tăng 717 vụ, việc và số án giải quyết tăng 987 vụ, việc; Tỷ lệ giải quyết tăng 16,15%.
Năm 2023, trên địa bàn TP Dĩ An được dự báo có nhiều chuyển biến, tốc độ đô thị hóa nhanh, nguồn lao động dồi dào, người nhập cư tăng cao nhanh khiến tình hình tội phạm tranh chấp, khiếu nại khiếu kiện có nguy cơ gia tăng…
Để đối phó trong tình hình mới, năm 2023, TAND TP Dĩ An sẽ tiếp tục tăng cường công tác xét xử, triển khai mạnh mẽ việc việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” trong các hoạt động tư pháp.
Mọi hoạt động tố tụng, từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án, phân công giải quyết vụ án cho đến khi giải quyết, xét xử xong sẽ được cập nhật trên hệ thống. Chánh án sẽ quản lý được các hoạt động tố tụng từ khi nhận đơn khởi kiện.
Theo Chánh án TAND TP Dĩ An Nguyễn Minh Hoàng cho biết, trước đây, cán bộ tòa án phải tra cứu văn bản pháp luật, các giải đáp nghiệp vụ và các tình huống pháp lý... bằng phương pháp truyền thống, mất nhiều thời gian và chưa được toàn diện, chính xác. Hiện nay sử dụng phần mềm "Trợ lý ảo" giúp việc tra cứu hiệu quả hơn rõ rệt, từ đó tiến độ công việc nhanh hơn, chất lượng được nâng cao hơn.
Đây là những nội dung thiết thực, phục vụ thường xuyên nhu cầu truy vấn thông tin của cán bộ tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán. Ngoài ra, phần mềm “Trợ lý ảo” là kho tri thức khổng lồ về pháp luật, như một bách khoa toàn thư pháp luật, giúp cho Thẩm phán và thư ký có thể tự nghiên cứu, tự học hỏi, tham khảo, trao đổi để làm giàu thêm kiến thức pháp luật và nâng cao trình độ chuyên môn của mình.
"Vì vậy, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác phần mềm “Trợ lý ảo” trong thời gian tới và coi đây là một trong những giải pháp để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác trong năm 2023 và những năm tiếp theo", Chánh án Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ.