Chiều 23/5, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023.
Hội nghị trực tuyến được triển khai thực hiện ở 28 điểm cầu trong hệ thống TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm công tác đã đề ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã thụ lý 8.035 vụ việc các loại (gồm: Các vụ án hình sự; các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, tuyên bố phá sản, lao động; các vụ án hành chính và việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án), trong đó: Sơ thẩm 7.727 vụ việc, phúc thẩm 308 vụ việc, so với cùng kỳ năm trước số phải giải quyết tăng 17,5% (1.200 vụ việc); đã giải quyết 5.519 vụ việc, đạt tỷ lệ giải quyết chung 68,6%. Số vụ, việc còn lại hầu hết mới thụ lý, đang được Tòa án giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.
Các vụ, việc đều áp dụng đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ trong xét xử, tôn trọng quyền bình đẳng trong tranh luận tại phiên tòa. Do đó, các bản án đã tuyên đều có căn cứ pháp luật, phù hợp với thực tế khách quan, không có trường hợp nào kết án oan cho người không có tội, không bỏ lọt tội phạm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng.
Các vụ án hình sự đã xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, áp dụng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ đúng pháp luật, hình phạt áp dụng cơ bản thỏa đáng. Chất lượng xét xử, giải quyết các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính đảm bảo tính khách quan, toàn diện; xác định đúng quan hệ tranh chấp, đảm bảo chính sách pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng qua, hoạt động của TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số hạn chế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục: Tỷ lệ giải quyết chung các loại án đạt thấp như án hành chính, án dân sự; vẫn còn một số đơn vị cập nhật thông tin vụ, việc vào các phần mềm nội bộ TAND thiếu thường xuyên, liên tục, không đầy đủ, không chính xác; chậm thực hiện việc công khai bản án, quyết định lên cổng thông tin điện tử TAND; sử dụng phần mềm Trợ lý ảo còn ít; tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm còn ít; tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến chưa nhiều...
Tại Hội nghị cũng đã nghe 6 tham luận của các Chánh tòa và lãnh đạo các đơn vị TAND cấp huyện, thành phố phát biểu ý kiến đóng góp.
Đồng thời, lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ. Hướng dẫn, đôn đốc giúp các Thẩm phán tháo gỡ vướng mắc về nghiệp vụ; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy chế, chủ động xây dựng kế hoạch làm ngoài giờ khi cần thiết để đảm bảo tiến độ và chất lượng giải quyết các loại án, công tác chuyên môn được giao.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Nga, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ Tòa án và yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, người lao động TAND hai cấp nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác đã đặt ra.