Vừa qua, TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử vụ ông Alan Frederick Row, một công dân Úc khởi kiện Văn phòng công chứng Thủy Tùng yêu cầu Tòa án tuyên bố “Hợp đồng công chứng vô hiệu” của Văn phòng công chứng Thủy Tùng.
Theo đơn khởi kiện của ông Alan Frederick Row thì ông và bà Kiều Thị Bé (SN 1972, trú tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) quen biết nhau qua mạng internet.
Sau một thời gian quen biết và tìm hiểu, ông Alan Frederick Row và bà Kiều Thị Bé kết hôn với nhau. Sau đó, ông có chuyển cho bà Bé hơn 2 tỷ đồng để mua ngôi nhà ở địa chỉ số 70 đường An Dương Vương, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng nên ông có ý định ly hôn với bà Bé.
TAND Quảng Ngãi xét xử vụ văn phòng công chứng hầu tòa - Ảnh: Vân Anh
Khi biết ông Alan Frederick Row có ý định ly hôn với mình nên khoảng tháng 4/2014, bà Bé đưa ông đến Văn phòng công chứng Thủy Tùng có địa chỉ tại số 17 đường Phạm Văn Đồng, TP. Quảng Ngãi do bà Lê Thị Thanh Tùng làm Trưởng văn phòng để ký giấy tờ làm thủ tục ly hôn, bà Bé bảo ông đưa số tiền 500USD để trả phí.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Alan Frederick Row đã ký vào “Văn bản cam kết về tài sản” số 1224, quyển số 11 TP/CC - SCC/HĐGD ngày 13/4/2015 với nội dung: Bà Bé được toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt và thực hiện các quyền khác đối với tài sản là căn nhà ở địa chỉ số 70 đường An Dương Vương, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi và cam kết, tài sản nêu trên do bà Bé mua hoàn toàn bằng tiền riêng của mình, ông Alan không có sự đóng góp nào cũng như quyền lợi gì và không tranh chấp, khiếu nại đối với tài sản trên.
Vì đây là một hợp đồng công chứng có yếu tố nước ngoài nên bà Lê Thị Thanh Tùng đã mời bà Lê Thị Thanh Trang là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp TP. Quảng Ngãi để dịch “Văn bản cam kết về tài sản” của ông Alan Frederick Row và bà Kiều Thị Bé. Tuy nhiên, bà Trang đã không dịch nội dung của văn bản mà chỉ hỏi sơ qua về nhân thân của ông như: Tên, ngày sinh, số hộ chiếu và bà Tùng yêu cầu ông ký vào văn bản trên. Điều đáng nói là ông không nhận được văn bản gốc nào.
Sau khi phát hiện ra sự lừa dối của việc chứng thực này là nhằm phục vụ mục đích cho bà Kiều Thị Bé lấy hết tài sản của ông nên ngày 19/6/2015, ông Alan đến Văn phòng công chứng Thủy Tùng yêu cầu hủy “Văn bản cam kết về tài sản” số 1224, quyển số 11 TP/CC - SCC/HĐGD ngày 13/4/2015 nhưng Văn phòng công chứng Thủy Tùng không chấp nhận cho ông hủy. Quá bức xúc nên ông đã làm đơn khởi kiện Văn phòng công chứng Thủy Tùng lên TAND tỉnh Quảng Ngãi.
Khi nhận được đơn khởi kiện của ông Alan Frederick Row và nhận được sự phân công thụ lý, xét xử vụ án từ lãnh đạo cấp trên, Thẩm phán Phạm Thị Thu Phương nhận định: Đây là một vụ án rất phứt tạp và hiếm khi gặp trong cả nước nói chung cũng như là vụ đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi khi bị đơn là một Văn phòng công chứng. Đặc biệt, đây là vụ án có yếu tố nước ngoài, chính vì vậy, Tòa án không những phải tuyên một bản án đúng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự mà phải giữ được hình ảnh của người Việt Nam nói chung và hệ thống pháp luật Việt Nam nói riêng trong mắt người nước ngoài. Chính từ những suy nghĩ trên đã thúc đẩy vị Thẩm phán này nghiên cứu thật kỹ hồ sơ để tìm ra được cốt lõi của nội dung của vụ việc.
Trong phiên tòa xét xử, bà Lê Thị Thanh Trang có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, trong bản tự khai vào ngày 14/9/2015, bà Trang có khai, bà là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp TP. Quảng Ngãi, nguyên tắc dịch và phiên dịch là Phòng Tư pháp giao văn bản cần dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Sau khoảng 3 đến 4 ngày, bà sẽ giao lại cho phòng Tư pháp tài liệu vừa tiếng Anh, vừa tiếng Việt.
Bên cạnh đó, bà khẳng định thêm, khi bà phiên dịch cho Văn phòng công chứng Thủy Tùng, bà có ý kiến thực hiện công việc như đã làm với Phòng Tư pháp TP. Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bà Tùng chỉ yêu cầu bà dịch bằng lời nói “Văn bản cam kết về tài sản” của ông Alan để ông nghe, bà Tùng không yêu cầu bà dịch thuật sang tiếng Anh.
Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, cũng như thông qua các biên bản lấy lời khai của các bên đương sự và tại phiên tòa xét xử, ông Alan đã chứng minh được căn nhà trên là do tiền của ông gửi về để bà Bé mua, cụ thể: Ông đã cung cấp được các giấy tờ có liên quan đến việc ông đã chuyển hơn 2 tỷ đồng từ tài khoản 040032380311 tại Ngân hàng Sài Gòn thương tín vào tài khoản của bà Bé và bà Bé cũng thừa nhận tại phiên tòa.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định: “Văn bản cam kết về tài sản” được Văn phòng công chứng Thủy Tùng lập bằng tiếng Việt, trong khi ông Alan là người nước ngoài, đáng lý ra Văn phòng công chứng Thủy Tùng phải dịch thuật văn bản trên từ tiếng Việt ra thành tiếng Anh cho ông Alan tự đọc lại theo quy định tại khoản 7 Điều 40 Luật Công chứng.
Mặt khác, trong “Văn bản cam kết về tài sản”, bà Trang ghi: “Tôi là Lê Thị Thanh Trang, là cộng tác viên của Phòng Tư pháp TP. Quảng Ngãi” nhưng bà Trang ký vào văn bản thì bà Trang là cộng tác viên phiên dịch của văn phòng Công chứng Thủy Tùng. Chính từ những mập mờ ở trên nên việc phiên dịch bằng lời nói của bà Trang chưa đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Alan có căn cứ để yêu cầu Văn phòng công chứng Thủy Tùng hủy bỏ “Văn bản cam kết về tài sản” số 1224, quyển số 11 TP/CC - SCC/HĐGD ngày 13/4/2015 theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Công chứng năm 2014, khoản 1 Điều 38 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên, Văn phòng công chứng Thủy Tùng không chấp nhận yêu cầu của ông.
Từ những chứng cứ có trong hồ sơ và tại phiên tòa, HĐXX chấp nhận yêu cầu của ông Alan Frederick Row tuyên bố “Văn bản cam kết về tài sản” số 1224, quyển số 11 TP/CC - SCC/HĐGD ngày 13/4/2015 của Văn phòng công chứng Thủy Tùng vô hiệu, theo quy định tại Điều 52 Luật Công chứng, Điều 128, Điều 138 Bộ luật Dân sự.