Vừa qua, TAND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án bằng hình thức trực tuyến giữa TAND tỉnh với 13 đơn vị TAND các huyện, thành, thị trong tỉnh. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đỗ Ngọc Tuấn – Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ.
Cùng tới dự Hội nghị còn có các Phó Chánh án TAND tỉnh, lãnh đạo TAND cấp huyện cùng các cán bộ, Thẩm phán và 43 hoà giải viên của TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ.
100% Hoà giải viên được tập huấn
Theo báo cáo tại Hội nghị, để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2021, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tổ chức việc tuyển chọn đội ngũ Hòa giải viên của 13 đơn vị TAND các huyện, thành, thị và đội ngũ Hòa giải viên của TAND tỉnh.
Kết quả tổng số Hòa giải viên đã được tuyển chọn là 43 người, trong đó: Hòa giải viên cấp tỉnh: 05 người, Hòa giải viên cấp huyện là 38 người. Như vậy là đủ số lượng Hòa giải viên theo quy định. Các Hòa giải viên đã được tập huấn nghiệp vụ hòa giải, đối thoại và được cấp thẻ Hòa giải viên đảm bảo thuận lợi cho Hòa giải viên khi thực hiện công việc của mình.
Cũng theo báo cáo, thực hiện sự chỉ đạo của TANDTC về việc chuẩn bị triển khai thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo 13 đơn vị TAND cấp huyện triển khai sắp xếp, bố trí phòng hòa giải, đối thoại, phòng làm việc của Hòa giải viên, các trang thiết bị cần thiết cho Hòa giải viên.
Kết quả cụ thể: TAND tỉnh và 13/13 đơn vị TAND các huyện, thành, thị đã bố trí được phòng làm việc, phòng hòa giải, đối thoại theo quy định, tuy có một số đơn vị còn phải bố trí lồng ghép giữa phòng hòa giải, đối thoại với phòng họp của đơn vị, có đơn vị chưa bố trí được phòng làm việc riêng cho hòa giải viên, nguyên nhân do trụ sở xây cũ, chật chội, phòng làm việc cho Thẩm phán, cán bộ vẫn còn chưa đủ nên chưa thể bố trí được. Hầu hết các đơn vị chưa trang bị được máy vi tính, máy in, máy Photo, mạng Internet…và các thiết bị điện tử khác phục vụ cho Hòa giải viên tác nghiệp.
TAND tỉnh Phú Thọ cũng đã tổ chức cho toàn bộ 43 Hòa giải viên tham dự Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho Hòa giải viên thời gian 3 ngày (16,17,18/12/2020) do TANDTC tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu với nhiều nội dung quan trọng như: Sự cần thiết phải ban hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Ý nghĩa của đối thoại tại Tòa án; Những nội dung chủ yếu của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Kết quả thực hiện thí điểm Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại một số đơn vị Tòa án và đặc biệt là tập trung sâu vào nội dung kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, kỹ năng đối thoại các khiếu kiện hành chính...
Qua một năm thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án của TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả đáng kích lệ như: Tổng số đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án đã nhận là 4.588 đơn (100%); Số đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không thuộc thẩm quyền của Tòa án: 147 đơn (3,2%); Số đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng không thuộc trường hợp hòa giải, đối thoại: 2.687 đơn; chiếm 58,6%.
Số đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thuộc diện hòa giải, đối thoại là 1.754 đơn, chiếm 38,2%. Trong đó: Số vụ việc đương sự không đồng ý hòa giải, đối thoại 1.255 vụ việc, chiếm tỷ lệ 72%.
Số vụ việc đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại là 499 vụ việc, chiếm 28%. Trong đó:Số vụ việc đương sự rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu là 37 vụ việc, chiếm 7,4% (trước, hoặc sau khi hòa giải, đối thoại); Số vụ việc hòa giải, đối thoại không thành chuyển thụ lý theo Tố tụng là 161 vụ việc, chiếm 32,3%; Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành là 239 vụ việc, chiếm 47,9% (Dân sự 35 vụ việc chiếm 7%, HNGĐ 203 vụ việc, chiếm 40,7%, Hành chính 0 vụ việc, chiếm 0%; KDTM 01 vụ việc, chiếm 0,2%.
Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành là 221 vụ việc, chiếm 92,4%.
Để có được những kết quả nêu trên, năm 2021 vừa qua, TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ đã luôn nỗ lực và cố gắng hết mình, tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi, TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:
Về Hòa giải viên: Tuy biên chế Hòa giải viên được tuyển chọn là đủ số lượng theo quy định, nhưng cơ bản chỉ tuyển chọn được những Hòa giải viên đã cao tuổi (Cán bộ Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Kiểm sát viên, Chấp hành viên đã nghỉ hưu), chưa tuyển chọn được những người trẻ tuổi có năng lực, có kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực như đất đai, tài chính...
Đối với những người lớn tuổi có kinh nghiệm, có chuyên môn thì thường hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin, việc tự ghi chép, đánh máy trên máy vi tính…dẫn đến hiện tượng có Hòa giải viên e ngại không muốn nhận vụ việc khi được đương sự chọn vì không có thư ký giúp việc trong việc đánh máy, ghi chép...
Một số Hòa giải viên tuy đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ nhưng kinh nghiệm, kỹ năng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu nên khi hòa giải các vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại phức tạp (nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai, tài sản là bất động sản. Số ít Hòa giải viên chưa thực sự tâm huyết, tận tâm, tận lực cho công tác hòa giải, đối thoại.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa được triển khai đồng bộ, sâu rộng; chưa có sự tham gia của hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, báo chí, đài phát thanh, truyền hình… trong việc tuyên truyền phổ biến Luật đến tận người dân.
Cơ sở vật chất của đơn vị vẫn còn nhiều thiếu thốn, cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu, đa số các đơn vị chỉ bố trí được một phòng vừa là phòng hòa giải, đối thoại vừa là phòng làm việc của Hòa giải viên, hầu hết được trưng dụng từ phòng họp, phòng tiếp dân, phòng xét xử, phòng bảo vệ...
Về sự hỗ trợ của Thẩm phán, Thư ký Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại: Do các Hòa giải viên đa số là người cao tuổi (hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu) nên các công việc hỗ trợ liên quan đến hòa giải, đối thoại chủ yếu vẫn do Thẩm phán, Thư ký Tòa án đảm nhiệm. Thẩm phán, Thư ký phải trao đổi các quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc để Hòa giải viên nắm được, từ đó đưa ra hướng hòa giải, đối thoại phù hợp...
Đối với việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại: Luật hòa giải, đối thoại tuy có quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, nhưng Luật thi hành án dân sự lại chưa có quy định cụ thể quyết định này thuộc phạm vi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành, cho nên trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành thì sẽ gặp khó khăn khi chuyển thi hành theo Luật thi hành án dân sự.
Ngoài ra, Thẩm phán phải thực hiện công việc xét xử, giải quyết án theo lịch của cá nhân Thẩm phán và lịch làm việc của Tòa án nên khi Hòa giải viên hòa giải, đối thoại thành vụ việc yêu cầu Thẩm phán có mặt tại phòng hòa giải, đối thoại để chứng kiến thì các Thẩm phán có phần bị động, không sắp xếp được công việc…
Những giải pháp cụ thể
Trước thực tế đó, để nâng cao tỷ lệ hòa giải, đối thoại theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong năm 2022 và những năm tiếp theo, TAND tỉnh Phú Thọ đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, TAND tỉnh đã phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình của tỉnh Phú Thọ xây dựng kế hoạch tuyên truyền Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án bằng nhiều hình thức như xây dựng chuyên mục Tọa đàm tìm hiểu về Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tổ chức phát nhiều kỳ trong năm để tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích, tính nhân văn của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, các khiếu kiện hành chính để người dân chủ động lựa chọn khi có tranh chấp cần giải quyết tại Tòa án.
Thứ hai, Chánh án TAND các huyện, thành, thị báo cáo Cấp ủy địa phương chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về Luật hòa giải, đối thoại trên sóng Đài phát thanh của địa phương (huyện, xã) để đông đảo người dân biết và hiểu được tác dụng tích cực của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, làm cho Luật thực sự đi vào cuộc sống.
Thứ ba, Chánh án, nhất là các Thẩm phán được phân công phụ trách, Thư ký Tòa án giúp việc cần tiếp tục nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong thời gian tới; mỗi Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, cán bộ Tòa án phải thực sự là một tuyên truyền viên về Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, phải chủ động tiếp cận tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mỗi khi trực tiếp làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với người dân đến nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và ngay tại nơi mình sinh sống.
Thứ tư, các Hòa giải viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa, tích cực đồng hành cùng Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; mỗi Hòa giải viên phải là một tuyên truyền viên về Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngay tại cộng đồng dân cư nơi Hòa giải viên sinh sống. Các Hòa giải viên cần tích cực tự học tập để có thể chủ động sử dụng được các thiết bị máy in, máy tính…đảm bảo phục vụ tốt cho công việc khi tiến hành các phiên hòa giải, đối thoại.
Thứ năm, các đơn vị Tòa án phải chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, đưa vào sử dụng kịp thời, có hiệu quả các trang thiết bị sắp tới được Tòa án nhân dân tối cao phân bổ; chủ động khắc phục mọi khó khăn về phòng làm việc, phòng hòa giải, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất có thể phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại.
Thứ sáu, các đơn vị Tòa án cần kịp thời cung cấp các tài liệu nghiệp vụ mới, các hướng dẫn, giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao về chuyên môn, nghiệp vụ, về công tác hòa giải, đối thoại để Hòa giải viên phục vụ ngay cho công tác hòa giải, đối thoại khi cần thiết.
Cuối cùng là, chủ động đề nghị Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ thông qua các Văn phòng luật sư, các Luật sư tích cực tuyên truyền Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho thân chủ; giữ vững phẩm chất, đạo đức trong sáng của người luật sư vì công lý kiên quyết không vì một lý do nào đó mà tư vấn cho thân chủ từ chối hòa giải, đối thoại theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án…