TAND tỉnh Lạng Sơn: Tỷ lệ giải quyết án trong năm 2021 vượt chỉ tiêu đề ra

Việt Bắc| 19/10/2021 18:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2021, mặc dù còn vấp phải một số hạn chế, tuy nhiên, hệ thống tòa án tại tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là trong công tác giải quyết án. Trong đó, tỉ lệ giải quyết án của TAND hai cấp đạt 99,2%, tỷ lệ giải quyết từng loại án đều vượt chỉ tiêu TAND tỉnh đề ra và chỉ tiêu TANDTC yêu cầu.

Mới đây, bà Chu Lệ Hường – Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn vừa cho biết, TAND tỉnh đã ban hành báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022. Theo báo cáo, năm 2021, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các mặt công tác năm 2021. 

Tỷ lệ giải quyết án vượt chỉ tiêu

Trong đó, lãnh đạo tòa án này đã tập trung yêu cầu các đơn vị sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, bảng phân công nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng các mặt công tác thông qua giao ban, sơ kết rút kinh nghiệm các mặt công tác, tăng cường chất lượng công tác trao đổi nghiệp vụ, giải quyết đơn... phát huy vai trò của Tổ kiểm tra án dân sự của TAND tỉnh trong kiểm tra tiến độ, chất lượng giải quyết án dân sự của từng đơn vị góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết án dân sự. Quán triệt các đơn vị thực hiện tốt chế độ trao đổi nghiệp vụ và rút kinh nghiệm công tác xét xử góp phần hạn chế án bị sửa, hủy, bị kháng nghị, kiến nghị do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán. Triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đúng quy định và hiệu quả. 

anh-1-tand-ls.jpg
Trụ sở TAND tỉnh Lạng Sơn tại số 412 đường Hùng Vương, xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Công tác tổ chức cán bộ được kiện toàn, bố trí cơ cấu cán bộ hợp lý cho các đơn vị để hoàn thành các mục tiêu công tác. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cũng tiếp tục được đảm bảo, đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án. Đặc biệt, công tác xét xử trong năm 2021 đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, năm 2021, tỉ lệ giải quyết án của TAND hai cấp đạt 99,2% (giảm 0,4% so với năm 2020). Trong khi đó, tỷ lệ giải quyết từng loại án đều vượt chỉ tiêu TAND tỉnh đề ra và chỉ tiêu TANDTC yêu cầu. Nhiều đơn vị có tỉ lệ giải quyết án đạt 100% như TAND huyện Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Quan (chiếm 63,6% tổng số đơn vị TAND cấp huyện). 

Tỉ lệ các vụ việc hòa giải thành đạt 68,8%, vượt 3,8% chỉ tiêu đề ra. Tỉ lệ các vụ việc đối thoại thành đạt 42,8%. Toàn tỉnh tổ chức được 198 phiên tòa rút kinh nghiệm, vượt 140 phiên tòa theo yêu cầu của TAND tối cao. Tòa án hai cấp có 20,5 vụ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan 13, chiếm tỉ lệ 0,66% thấp hơn tỉ lệ của TANDTC quy định. Tỉ lệ chung giải quyết án của Thẩm phán đạt 4,6 vụ/tháng. 

“Không có trường hợp kết án oan người không phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm, không có án quá hạn luật định, bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành. Chất lượng tổ chức phiên tòa và chất lượng ban hành bản án, quyết định của Tòa án tiếp tục được nâng lên”, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn Chu Lệ Hường thông tin.

Còn tồn tại một số hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2021, hệ thống tòa án tại tỉnh Lạng Sơn vẫn còn vấp phải một số hạn chế như công tác lãnh đạo, quản lý của thủ trưởng một số đơn vị chưa chủ động dẫn tới tiến độ các mặt công tác còn chậm, chất lượng tổ chức các cuộc họp, hội nghị còn có đạt yêu cầu.

Không chỉ vậy, việc duy trì thực hiện quy trình giải quyết án tại một số đơn vị chưa thật sự nghiêm túc. Việc thực hiện báo cáo trao đổi nghiệp vụ còn chưa đảm bảo chất lượng và đúng quy trình dẫn tới còn có án bị hủy, bị sửa do nguyên nhân chủ quan. Nhiều vụ án có thời gian giải quyết quá 06 tháng. Trong năm có 03 cán bộ, công chức, người lao động phải kiểm điểm, giải trình do sai sót trong thực hiện nhiệm vụ.

Cũng tại báo báo, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến những hạn chế như vậy là do, tỉ lệ giải quyết án giảm so với năm 2020 và tiến độ giải quyết chậm do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid 19, nhất là tại huyện Văn Lãng, huyện Hữu Lũng do huyện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

anh-2-tand-ls.jpg
Lãnh đạo TAND Tối Cao, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo TAND tỉnh Lạng Sơn.

Về nguyên nhân chủ quan, một số Thẩm phán còn hạn chế về ý thức tự nghiên cứu văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, chậm rút kinh nghiệm các sai sót đã được chỉ ra dẫn đến có vụ án bị kháng nghị, kiến nghị hoặc bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Một số cán bộ tham mưu chưa nghiên cứu kỹ văn bản nên tham mưu chưa kịp thời hoặc xây dựng văn bản sai sót phải chỉnh sửa nhiều lần.

Trước tình hình đó, nhằm mục đích hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, TAND tỉnh Lạng Sơn đã dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022. Trong đó, TAND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị có tiếp tục quán triệt đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, của TANDTC, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh liên quan đến công tác Tòa án. 

Đồng thời, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ, thực hiện các quy trình công tác của Tòa án nhân dân, thực hiện văn hóa, văn minh công sở, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc, duy trì nề nếp hoạt động. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo quản lý của người đứng đầu các đơn vị Tòa án.

“Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử,đẩy mạnh tiến độ giải quyết án đảm bảo năm 2022 tỉ lệ giải quyết án tiếp tục vượt chỉ tiêu đề ra. Tăng cường công tác hòa giải các vụ án dân sự, đối thoại các vụ án hành chính. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan thấp hơn quy định của TANDTC. Thực hiện nghiêm túc việc công bố bản án quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND”, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn nêu nhiệm vụ dự kiến trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Lạng Sơn: Tỷ lệ giải quyết án trong năm 2021 vượt chỉ tiêu đề ra