Sáng 30/12, TAND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng kế hoạch trọng tâm năm 2023. Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị về phía địa phương có ông Trần Thế Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia; đại diện các cơ quan nội chính và toàn thể Thẩm phán, công chức và người lao động TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh.
Trong năm 2022, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị nên các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án được thực hiện có hiệu quả.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 01/10/2021 đến 30/9/2022, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã thụ lý 3.445 vụ việc, giải quyết 3.316 vụ, việc, đạt tỷ lệ 96,3%; tăng 747 vụ, việc (27,7%) so với năm 2021. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 0,2%, thấp hơn trung bình cả nước 0,7%, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra.
Trong đó, án hình sự đã thụ lý 951 vụ/ 1.920 bị cáo, giải quyết 938 vụ/ 1.802 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,6%, vượt chỉ tiêu 8,6%, tăng 07 vụ/ 279 bị cáo so với năm 2021. Kịp thời xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Một số Tòa án có tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự đạt 100%, như TAND các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh...
Về công tác giải quyết các vụ việc Dân sự, Hôn nhân gia đình, Lao động, Kinh doanh thương mại đã thụ lý, giải quyết 1.509/ 1.619 vụ, việc, đạt tỷ lệ 93,3%, vượt chỉ tiêu 8,3%, tăng 30 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sơ thẩm 1.474/ 1.582 vụ, việc; phúc thẩm 35/ 35 vụ.
Thực hiện hiệu quả công tác hòa giải với 1.088 vụ việc được hòa giải thành, đạt tỷ lệ 72,1%, góp phần củng cố đoàn kết trong nhân dân, trong đó có 45 cặp vợ chồng đoàn tụ, 176 trường hợp rút đơn, đình chỉ vụ án.
Về công tác giải quyết các vụ án hành chính đã thụ lý, giải quyết 32/ 33 vụ, đạt tỷ lệ 97,7%, vượt chỉ tiêu 32,7%, tăng 17 vụ so với năm 2021. Tổ chức 01 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Về thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, năm 2022, Tòa án nhận được 2.432 đơn khởi kiện. Các đương sự đồng ý chuyển hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 893 đơn, chiếm tỷ lệ 36,7% số đơn đã nhận; tăng 721 đơn so với năm 2021. Giải quyết 888 đơn. Kết quả, hòa giải thành 804 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,5%); chuyển thụ lý theo thủ tục tố tụng 84 vụ việc, đang trong quá trình giải quyết 05 vụ, việc.
Về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến mặc dù gặp nhiều khó khăn về các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn thiết bị là đi mượn, thuê hoặc tận dụng các thiết bị họp trực tuyến hiện có… nhưng với quyết tâm cao, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội được thực thi trên thực tiễn, góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời.
Trong năm, Tòa án hai cấp đã xét xử trực tuyến 111 vụ án. Trong đó phiên tòa hình sự 109 vụ, điểm cầu tại Trại tạm giam, đặc biệt có 01 phiên tòa xét xử với điểm cầu thành phần từ TP Hồ Chí Minh; phiên tòa hành chính 02 vụ, điểm cầu thành phần tại UBND cấp huyện.
Các phiên tòa đều đảm bảo điều kiện âm thanh, hình ảnh, không gian; Các thiết bị điện tử phù hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP. Bản án xét xử phiên tòa trực tuyến đến nay đều không có kháng cáo, khiếu nại sau khi Hội đồng xét xử tuyên án.
Để đạt được kết quả cao trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Tòa án tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị cấp huyện, đồng thời áp dụng nhiều giải pháp như: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Tổ chức tập huấn cho cán bộ công nghệ thông tin trong việc sử dụng, vận hành hệ thống trực tuyến.
Đặc biệt, giao cụ thể chỉ tiêu xét xử trực tuyến đối với Thẩm phán và đưa vào tiêu chí thi đua để bình xét hằng năm. Khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân tích cực trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương và địa phương để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện phiên tòa trực tuyến.
Trong khuôn khổ hội nghị, một số đơn vị tòa như TAND Thị xã Kỳ Anh, TAND huyện Hương Khê, TAND TP Hà Tĩnh, TAND huyện Thạch Hà…đã đóng góp tham luận liên quan đến các vấn đề như: Kinh nghiệm giải quyết, xét xử các vụ án hình sự trọng điểm, án đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều người tham gia tố tụng, được dư luận quan tâm; kinh nghiệm xét xử và tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên toà rút kinh nghiệm; chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án…
Với sự nỗ lực, cố gắng và thành tích xuất sắc trong công tác xét xử trực tuyến, TAND tỉnh Hà Tĩnh có 03 tập thể và cá nhân được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Hải – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đánh giá rất cao về kết quả mà TAND tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được. Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị TAND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua trong ngành; xây dựng ngành TAND thực sự trong sạch, vững mạnh để Tòa án và mỗi cán bộ Tòa án phải thực sự là tấm gương trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà TAND hai cấp Hà Tĩnh đã đạt được. Đặc biệt, kết quả giải quyết án của TAND hai cấp Hà Tĩnh đạt tỷ lệ rất cao. Trong đó, điểm sáng của TAND tỉnh Hà Tĩnh phải nói tới chính là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về việc tổ chức thực hiện các phiên tòa trực tuyến.
Bên cạnh đó, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cũng chỉ ra những mặt hạn chế đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, đồng thời đề ra các biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, TAND tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn, thử thách; TANDTC mong lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh, cùng các sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho TAND tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Về nhiệm vụ năm 2023, Phó Chánh án TANDTC yêu cầu TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung như: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Ban cán sự đảng TANDTC; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu cơ bản mà Chỉ thị của Chánh án TANDTC đề ra, bảo đảm 100% các vụ án, vụ việc được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án; tăng cường công tác xây dựng Đảng, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán; thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của TANDTC về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp tại Tòa án, đảm bảo tính công khai minh bạch; tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Vì Công lý” đã phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV của TAND và các phong trào thi đua theo chủ đề …
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng, bà Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh hứa sẽ nghiên cứu, cụ thể hóa trong chương trình triển khai nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo; bày tỏ tin tưởng với truyền thống đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023.