Ngày 28/6, TAND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp giao ban công tác TAND hai cấp 9 tháng đầu 2024 và lưu ý một số vấn đề cần triển khai thực hiện trong 3 tháng cuối năm. Ông Đặng Quốc Khởi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh dự và chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phùng Văn Định – Phó Chánh Văn phòng TAND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, TAND hai cấp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải giải quyết tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng đa dạng, phức tạp, nhất là đối với các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai.
Bên cạnh yêu cầu phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, các Tòa án còn phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, song về cơ bản các đơn vị đã có cố gắng trên tất cả các mặt công tác nên thời gian qua, một số chỉ tiêu đạt chất lượng khá tốt.
Về công tác chuyên môn, từ ngày 01/10/2023 đến ngày 21/6/2024, TAND hai cấp đã thụ lý 7.195 vụ việc, đã giải quyết 4.791 vụ việc, đạt tỷ lệ 66,6%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 0,6% (29,5 vụ), đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết Quốc hội và TANDTC đề ra.
9 tháng đầu năm 2024, TAND hai cấp đã tổ chức được 137 phiên tòa rút kinh nghiệm; 48 phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc Hội; Hòa giải thành, đối thoại thành 3.308/5.113 vụ việc đã giải quyết, đạt tỷ lệ 64,7%; Đã công bố được 2.296 bản án, quyết định, (trong đó có 277 bản án, quyết định công bố chậm so với quy định, chiếm tỷ lệ 12%).
Qua theo dõi, hầu hết các bản án, quyết định đã được công bố đều nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng, đa số đều đồng tình với các nhận định và phán quyết của Tòa án.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của TAND hai cấp tỉnh Bạc Liêu thời gian qua cũng còn một số hạn chế như: Chất lượng, hiệu quả, tiến độ giải quyết án, tỷ lệ giải quyết các loại án còn thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu được giao; Một số Thẩm phán có tỷ lệ án giải quyết không đạt so với chỉ tiêu được giao; vẫn còn án tồn đọng, kéo dài.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án; Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng; Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND tỉnh đã triển khai và thông qua báo cáo các vấn đề nghiệp vụ để các đại biểu nắm và thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã tham gia thảo luận trong đó tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024. Tất cả các ý kiến trao đổi, các vấn đề đặt ra của đại biểu đều được các đơn vị chuyên môn và chủ tọa cuộc họp trả lời cụ thể trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Đặng Quốc Khởi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc tổ chức công tác xét xử, đảm bảo tiến độ và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án của đơn vị;
Thường xuyên nắm chắc số lượng, tiến độ giải quyết các loại vụ án, kịp thời chỉ đạo khắc phục khó khăn vướng mắc để thúc đẩy công tác xét xử nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo đến cuối năm phải đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
Các đơn vị cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động cung cấp tài liệu, chứng cứ, thẩm định, đo đạc, giám định, định giá tài sản.
“Các Thẩm phán phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ để đưa vụ án ra xét xử kịp thời, khắc phục triệt để các vụ án tồn đọng kéo dài, đảm bảo đến cuối năm công tác 2024, tỷ lệ án giải quyết phải đạt và vượt so với chỉ tiêu xét xử được giao”, Chánh án TAND tỉnh nhấn mạnh.