Trong thời gian qua, TAND thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) đã chủ động triển khai có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp xây dựng hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tạo tính đột phá, nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.
Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện NQ 49-NQ/TW, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Nghệ An, Ban thường vụ Thị ủy Hoàng Mai, sự phối hợp của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện để TAND thị xã Hoàng Mai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xét xử và cải cách tư pháp.
Chú trọng phổ biến, quán triệt, triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp gắn với xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của Tòa án trong cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014, trong đó lấy xét xử là trọng tâm, nâng cao chất lượng xét xử là khâu đột phá của công tác cải cách tư pháp.
Là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, TAND thị xã Hoàng Mai có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tăng cường giám sát, kiểm tra công tác cải cách tư pháp tại đơn vị, bảo đảm cải cách tư pháp tại Tòa án thực chất, đúng quy định; đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ mới được giao như: Tổ chức hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiệm vụ tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội khóa XV.
Từ đầu năm đến nay, TAND Thị xã đã tổ chức thành công 06 phiên tòa rút kinh nghiệm, 05 phiên tòa trực tuyến và 02 phiên tòa lưu động và hàng chục cuộc hòa giải, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tác hại của ma túy, tệ nạn xã hội đồng thời nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, Tòa án Thị xã đã thành lập Bộ phận hành chính tư pháp, đảm bảo yêu cầu về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc theo mô hình “một cửa”. Thường xuyên đổi mới, hoạt động ngày càng hiệu quả, giải quyết nhanh chóng công việc, yêu cầu của người dân và đơn vị, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, phát hành văn bản tố tụng, bản án, quyết định.
Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, trong xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Tham gia đối thoại, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật thị xã Hoàng Mai tổ chức.
Hiện nay cơ cấu tổ chức, bộ máy của TAND Thị xã đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết TW 4 khóa XII và TANDTC. Bộ máy bên trong của Tòa án thường xuyên được cơ cấu lại theo hướng một người có thể làm, kiêm nhiệm nhiều việc nhưng vẫn bảo đảm mọi nhiệm vụ, công việc được giao. Nhờ đó hàng năm, TAND thị xã Hoàng Mai luôn hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, kế hoạch công tác đã được TANDTC tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Hoạt động của Thẩm phán, các chức danh tư pháp (gồm Thư ký, Thẩm tra viên) vừa tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, vừa đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xét xử theo quy định của Chỉ thị 26 của Bộ Chính trị, Quy chế của Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Nghệ An. 100% phán quyết của Tòa án, Hội đồng xét xử “thấu tình, đạt lý”, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, nhờ chú trọng và thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại, trên 80% tranh chấp tại Tòa án được giải quyết thông qua hòa giải đối thoại thành công, rút yêu cầu khởi kiện, từng bước hình thành cơ chế giải quyết tranh chấp không qua xét xử, đem lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, người dân, đương sự.
Việc chú trọng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các chức danh tư pháp, nhất là Thẩm phán về ý nghĩa và tầm quan trọng của mô hình phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết 49-NQ/TW. Từ đó nâng cao chất lượng xét xử nói chung, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa nói riêng, lấy kết quả tranh tụng là căn cứ chủ yếu để đưa ra bản án, quyết định, đảm bảo các quyết định của Thẩm phán, Hội đồng xét xử đúng quy định pháp luật, tránh được việc kết án oan người không có tội, bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó thực hiện có hiệu quả hệ thống xét xử trực tuyến, đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử, “Tòa án thông minh”.
Xác định Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, Công chứng viên, Thừa phát lại, Giám định viên có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, hoạt động tố tụng của Tòa án do đó TAND thị xã Hoàng Mai đã tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, 100% vụ án có đối tượng được trợ giúp pháp lý hoặc phải chỉ định Luật sư bào chữa, đều được các Thẩm phán thực hiện đúng luật định.
Trong công tác xét xử Thẩm phán là người có có vai trò quyết định thắng lợi giải quyết các vụ án của đơn vị, vì vậy TAND thị xã Hoàng Mai luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm “vừa hồng vừa chuyên”. Đến nay, 100% cán bộ có chức danh tư pháp có trình độ cử nhân Luật, trong đó 1 đồng chí có trình độ Thạc sỹ Luật, các cán bộ của Tòa án có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. 100% Thẩm phán không có án bị hủy, sửa do chủ quan, không có bản án, quyết định tuyên không căn cứ, không đúng pháp luật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Hằng năm, 100% cán bộ có chức danh tư pháp được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trong đó có 20% “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Việc cải cách tư pháp của TAND thị xã Hoàng Mai đã thực hiện trình tự thủ tục tố tụng đúng quy trình, sự phán quyết của Hội đồng xét xử tại các phiên tòa bản án được tuyên khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, có tính thuyết phục cao.