TAND huyện Thanh Bình, Đồng Tháp: Chú trọng công tác hòa giải

Quang Trung| 19/12/2015 08:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND huyện Thanh Bình có số lượng thụ lý các loại vụ án trung bình hàng năm khoảng 400 vụ việc, nhưng năm 2015 thụ lý các loại án tăng với tổng cộng 575 vụ, việc...

Thanh Bình là huyện ở tả ngạn sông Tiền, có địa hình là vùng ven, vùng cù lao và vùng sâu rất khác biệt, với hệ thống sông rạch chằng chịt. Thanh Bình có đến 95% dân số theo các đạo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa, Phật giáo, vì vậy, trong công tác xét xử, Thẩm phán rất chú trọng đến công tác hòa giải và bước đầu đạt được nhiều hiệu quả, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

TAND huyện Thanh Bình có số lượng thụ lý các loại vụ án trung bình hàng năm khoảng 400 vụ việc, nhưng năm 2015 thụ lý các loại án tăng với tổng cộng 575 vụ, việc. Vì vậy, lãnh đạo, CBCC của toàn đơn vị rất quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đầu năm, đơn vị có kế hoạch cụ thể theo từng chức danh và nhiệm vụ cụ thể từng cá nhân, lấy công tác thi đua khen thưởng làm nền tảng, làm động lực thúc đẩy toàn đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lãnh đạo đơn vị giao cho Công đoàn giám sát công tác thi đua, đề xuất những điển hình tiến tiến xuất sắc để đề nghị về trên khen thưởng kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các loại án đã gặp phải những khó khăn khách quan như một số vụ án, đương sự đi làm ăn xa, hoặc bỏ địa phương đi không rõ địa chỉ, hoặc cố tình lánh mặt cũng đã gây không ít trở ngại cho công tác giải quyết vụ án trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh.

TAND huyện Thanh Bình, Đồng Tháp: Chú trọng công tác hòa giải

Chánh án Nguyễn Thanh Ngọc trao giấy khen của Chánh án TAND tỉnh cho ông Phan Văn Phụng

Thẩm phán Nguyễn Thanh Ngọc, Chánh án TAND huyện Thanh Bình cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, tập thể lãnh đạo đơn vị đã cùng nhau bàn bạc đi đến thống nhất đề ra nhiều biện pháp tháo gỡ. Tập thể lãnh đạo đơn vị giao chỉ tiêu mỗi Thẩm phán giải quyết trong quý từ 30 vụ án trở lên, đây là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá công tác thi đua cuối năm. Những vụ án cần có ý kiến cung cấp thông tin của UBND huyện, hay các ngành hữu quan khác thì Thẩm phán trực tiếp làm việc hoặc lãnh đạo trực tiếp bàn bạc với UBND và các ngành khác, hoặc thông báo cho cấp ủy địa phương đôn đốc để có văn bản trả lời cho Toà án nhanh nhất. Đối với những vụ án mà có khó khăn thì Thẩm phán chủ tọa phải chủ động báo ngay để tập thể lãnh đạo đơn vị tìm biện pháp tháo gỡ. 

Nhờ kết hợp nhiều biện pháp mà trong năm 2015 đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có án quá hạn luật định. Từ đó cho thấy, công tác thi đua khen thưởng của đơn vị có tầm quan trọng hàng đầu, thúc đẩy năng lực làm việc của mỗi cá nhân. Trong năm, đơn vị thụ lý 575 vụ việc, đã giải quyết 550 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,65%. Chất lượng giải quyết các loại án được nâng lên, tỷ lệ án bị sửa chiếm tỷ lệ 0,9%; án bị hủy 1,09%. Thẩm phán đặc biệt quan tâm đến công tác hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành đạt cao. Cụ thể, án dân sự hòa giải thành là 133/238 vụ án đã giải quyết, đạt tỷ lệ 55,88%. Án hôn nhân gia đình, hòa giải thành 160/203 vụ án, chiếm tỷ lệ 78,81%.

Chánh án Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ, TAND huyện Thanh Bình xác định việc hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và công dân, giảm bớt giai đoạn tố tụng kéo dài, vừa giải quyết triệt để các mâu thuẫn giữa các đương sự, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Việc hoà giải thật sự có hiệu quả khi Thẩm phán nắm vững các quy định của pháp luật, có kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm sống phong phú. Trong đó, kiến thức tín ngưỡng tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của hoà giải. Bên cạnh đó, Thẩm phán cần thể hiện thái độ hoà giải khách quan, tránh bênh vực hoặc cảm tình, thiên vị cho một bên đương sự nào, phải nhiệt tình khuyên giải, vận động, thuyết phục và kiên trì hoà giải giữa các bên đương sự. Nếu thấy còn khả năng hoà giải được thì nên tiến hành hoà giải nhiều lần nhằm tạo điều kiện để các đương sự có thời gian suy nghĩ để từ đó họ có được quyết định hợp lý. Cũng chính vì tỷ lệ hòa giải thành đạt cao nên lượng án bị kháng cáo lên TAND cấp tỉnh để xét xử theo thủ tục phúc thẩm giảm đáng kể so với trước đây.

Bên cạnh công tác chuyên môn, lãnh đạo TAND huyện Thanh Bình đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ Thẩm phán, CBCC trong toàn đơn vị. Nhờ vậy, TAND huyện Thanh Bình đã xuất hiện tấm gương sáng của ông Phan Văn Phụng, Thư ký TAND huyện Thanh Bình không nhận tiền của đương sự và được Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp quyết định khen thưởng đột xuất. Đồng thời, đơn vị tổ chức họp biểu dương để CBCC toàn đơn vị học tập và làm theo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Thanh Bình, Đồng Tháp: Chú trọng công tác hòa giải