TAND hai cấp TP. Hải Phòng rút kinh nghiệm nghiệp vụ năm 2022

Phạm Thương - Văn Công| 26/11/2022 11:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong hai ngày 25 - 26/11, thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022, TAND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm nghiệp vụ năm 2022.

Theo Phó Chánh án TAND TP. Hải Phòng Phạm Văn Phích, trong năm 2022, TAND hai cấp thành phố thụ lý 10.584 vụ, việc các loại; đã giải quyết, xét xử 9.955 vụ, việc, đạt tỷ lệ 94,1%. So với năm 2021, thụ lý giảm 157 vụ, việc; giải quyết, xét xử giảm 136 vụ, việc. Trong đó TAND thành phố thụ lý 1.574 vụ, việc; đã giải quyết, xét xử 1.329 vụ, việc; đạt tỷ lệ 84%; TAND các quận/huyện thụ lý 9.010 vụ, việc; đã giải quyết, xét xử 8.626 vụ, việc; đạt tỷ lệ 96%.

Trong công tác xét xử án hình sự, TAND hai cấp TP. Hải Phòng đã giải quyết, xét xử 1.387 vụ 2.800 bị cáo trên tổng số thụ lý 1.399 vụ 2.834 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,1%. So với năm 2021, thụ lý giảm 133 vụ, tăng 155 bị cáo; giải quyết, xét xử giảm 154 vụ, tăng 59 bị cáo. Trong đó, án hình sự sơ thẩm, TAND các quận/huyện giải quyết, xét xử 1.066 vụ 2.119 bị cáo trên tổng số thụ lý 1.068 vụ 2.121 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,8%. TAND thành phố giải quyết, xét xử 196 vụ 508 bị cáo trên tổng thụ lý 200 vụ 536 bị cáo, đạt tỷ lệ 98%.

Qua công tác xét xử án hình sự cho thấy, số lượng vụ án hình sự so với năm 2021 mặc dù giảm về số vụ, nhưng lại tăng về số bị cáo, thể hiện các vụ án ngày càng có nhiều đồng phạm, tính chất vụ án ngày càng phức tạp về chứng cứ, số bị cáo có độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 51 bị cáo); số lượng bị cáo phạm tội giết người tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, hành vi phạm tội mang tính chất côn đồ, hung hãn, manh động. Tội phạm về ma túy mặc dù giảm đáng kể nhưng diễn biến vẫn còn rất phức tạp, vẫn còn nhiều đường dây trung chuyển ma túy lớn, hình thức vận chuyển, mua bán với thủ đoạn ngày càng tinh vi, mặc dù khi xét xử các bị cáo đều bị tuyên hình phạt nghiêm khắc, nhưng do yếu tố lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn bất chấp thủ đoạn lén lút mua bán trái phép. Tội phạm về đánh bạc vẫn có chiều hướng gia tăng. Tòa án đã đưa ra xét xử một số loại tội liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm như “Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, liên quan đến các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, một số loại tội mới như: “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Tội không chấp hành án”.

anh-1-dong-chi-pham-duc-tuyen-thanh-uy-vien-chanh-an-tand-tp.-hai-phong-phat-bieu-tai-hoi-nghi..jpg
Đồng chí Phạm Đức Tuyên, Thành ủy viên, Chánh án TAND TP. Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị.

Đối với Công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, Toà án hai cấp thành phố đã thụ lý 2.211 vụ, việc; đã giải quyết, xét xử 1.937 vụ, việc; đạt tỷ lệ 87,6%. So với năm 2021, thụ lý giảm 62 vụ việc, giải quyết, xét xử giảm 129 vụ, việc. Các tranh chấp dân sự tập trung chủ yếu là tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về ranh giới, lối đi, chia di sản thừa kế, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng đằng sau đó là quan hệ vay tiền, tranh chấp về hợp đồng tín dụng liên quan đến tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất,… tính chất các vụ việc đều phức tạp, nhiều quan hệ pháp luật, nhiều vụ án có đương sự ở nước ngoài. Việc tiến hành thu thập chứng cứ, xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản khi giải quyết tranh chấp còn gặp nhiều khó khăn do đương sự chống đối, không hợp tác, trốn tránh nghĩa vụ bằng cách che giấu địa chỉ. Mặc dù, năm 2022 tất cả các đơn vị Tòa án cấp huyện (trừ Tòa án Bạch Long Vỹ) đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp với UBND cùng cấp trong công tác cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, công tác định giá tài sản và một số hoạt động tố tụng khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hành chính đã tạo thuận lợi cho Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, tuy nhiên vẫn còn một số cơ quan hành chính chưa có sự phối hợp tốt trong công tác định giá, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.

anh-2-hoi-nghi-co-su-tham-gia-dong-du-cua-lanh-dao-tham-phan-thu-ky-tand-hai-cap-thanh-pho..jpg
Hội nghị có sự tham gia đông đủ của lãnh đạo, Thẩm phán, thư ký TAND hai cấp thành phố.

Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, Tòa án thụ lý, giải quyết nhiều vụ án tranh chấp liên quan đến một số dự án đầu tư, dự án phát triển kinh tế, xã hội của thành phố; một số vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Quản lý nhà Hải Phòng và bị đơn là Công ty Cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng đã tồn tại nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm.

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Phích, Phó Chánh án TAND thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế còn tồn tại như: Vẫn còn án hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, tỷ lệ án hủy cải sửa năm 2022 cao hơn năm 2021. Tỉ lệ giải quyết một số vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại sơ thẩm chưa cao, vẫn còn chậm. Vẫn còn một số vụ án kéo dài, chất lượng bản án ban hành vẫn còn có những sai sót phải đính chính, việc tranh tụng tại phiên tòa từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại khách quan do dịch Covid 19 bùng phát mạnh, phức tạp. Trong giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính… do các đương sự không hợp tác, việc thu thập chứng cứ của Tòa án gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến bản án, quyết định bị hủy với lý do việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ… Việc định giá tài sản của các Hội đồng định giá quận/huyện còn chậm, có hội đồng định giá không áp dụng giá thị trường mà chỉ áp dụng giá Nhà nước gây khó khăn cho công tác xét xử của Tòa án. Cùng với đó, số lượng vụ, việc ngày một tăng, tính chất ngày một phức tạp, trong khi TAND TP. Hải Phòng là đơn vị được TAND tối cao lựa chọn thực hiện thí điểm nhiều dự án như Dự án Koica, Dự án xây dựng phần mềm trợ lý ảo, xây dựng mô hình thí điểm xét xử trực tuyến án hành chính..

Thông qua Hội nghị, TAND thành phố đề xuất, kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ hoàn thiện cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc của TAND hai cấp thành phố. Đặc biệt là việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động xét xử. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận/huyện phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải quyết các yêu cầu về định giá tài sản, yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ trong các vụ việc dân sự, hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND hai cấp TP. Hải Phòng rút kinh nghiệm nghiệp vụ năm 2022